Bích Ngọc - 09:50 14/10/2021
Theo đó, doanh nghiệp làm dự án du lịch ở Lâm Đồng với diện tích 3.500ha đất rồi để mất 257ha đất rừng là dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh), thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) được thành lập năm 2010 tại huyện Đức Trọng.
Trong tổng số 3.595ha đất được địa phương giao cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh làm dự án, có đến hơn 1.000ha rừng, trong đó có 342ha rừng tự nhiên. Đến tháng 4.2020, UBND tỉnh Lâm Đồng phát hiện Công ty Sài Gòn Đại Ninh để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 368ha (phá rừng 257ha, lấn chiếm 111ha).
Liên quan đến việc để mất rừng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu công ty Công ty Sài Gòn Đại Ninh bồi thường theo quy định. Số tiền bồi thường hơn 6,6 tỉ đồng đối với phần tài nguyên rừng 140ha mà công ty này đã để mất. Sau đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã thực hiện nộp vào khoản mục thu khác ngân sách tỉnh Lâm Đồng.
Riêng số tiền bồi thường tài nguyên rừng của 116ha, ngày 25.5, Sở Tài chính đã phối hợp Sở NNPTNT xác định giá trị số tiền bồi thường hơn 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không đồng ý với kết quả tính toán nói trên và kiến nghị được thuê tư vấn để kiểm kê, rà soát lại hiện trạng tài nguyên rừng.
Đến ngày 7.10, Công ty này vẫn chưa hoàn thành việc kiểm kê, rà soát. Trong thời gian chờ hoàn thành việc kiểm kê, rà soát, Công ty đã ký biên bản làm việc với Sở Tài chính theo hướng, thống nhất tạm nộp đủ số tiền bồi thường theo số liệu Sở NNPTNT cung cấp và giá trị do Sở Tài chính tính toán.
Ngày 11.10 vừa qua, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã thực hiện nộp hơn 12 tỉ đồng vào khoản mục thu khác ngân sách tỉnh Lâm Đồng.
Trước câu hỏi của dư luận về việc chủ đầu tư để mất 257ha rừng, liệu cơ quan chức năng Lâm Đồng có xem xét chuyển cơ quan công an điều tra việc hay không, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPNT tỉnh Lâm Đồng - cho rằng, cần xác định lại diện tích đất trên là đất rừng trồng hay rừng tự nhiên. Khi xác định rõ trữ lượng rừng, từ đó mới có cơ sở xử lý tiếp theo.
Theo Báo Lao Động