Bích Ngọc - 16:16 15/12/2021
Đồi thông hai mộ nằm tại hồ Than Thở - địa điểm tham quan được nhiều du khách yêu thích khi ghé thăm Đà Lạt. Vào năm 1917, người Pháp đã xây dựng hồ này và đặt tên là Lacdes Soupirs - có nghĩa là rì rào hoặc than thở. Ngoài ra, người dân Đà Lạt còn gọi là hồ Sương Mai, mang ý nghĩa đẹp long lanh như những giọt sương buổi sớm.
Nằm cách biệt khỏi chốn đô thành ồn ào, náo nhiệt, hồ Than Thở dường như nằm lặng yên giữa chốn thinh không, chỉ có tiếng rì rào của những rặng thông, điểm xuyết thêm vài tiếng chim hót. Cảnh đẹp nhưng lại mang nét buồn man mác. Bởi ai ghé thăm nơi này cũng đều được nghe kể về một câu chuyện tình yêu bi thương nơi phố núi.
Có rất nhiều những lời đồn kỳ bí về cái tên “Đồi thông hai mộ” nhưng chỉ có duy nhất câu chuyện sau là có thật. Đó là câu chuyện tình yêu của cô gái Lê Thị Thảo và chàng trai Vũ Minh Tâm cách đây hơn 60 năm. Chàng là con trai độc nhất trong một gia đình điền chủ giàu có nhất xứ Gò Công. Nàng là cô sinh viên khoa Văn đầy mơ mộng. Nhờ duyên trời, họ đã gặp nhau trong một lần đi dạo bên bờ hồ Sương Mai (nay là hồ Than Thở), đem lòng cảm mến và trở thành cặp tình nhân đẹp đôi nhất trong mắt các sinh viên cùng khóa.
Ra trường, Lê Thị Thảo trở thành cô giáo dạy Văn tại thành phố Đà Lạt. Vũ Minh Tâm trở về quê và đem theo lời thề ước sẽ đem trầu cau lên hỏi cưới nàng. Nhưng chuyện tình chẳng hề dễ dàng đến thế. Ba mẹ chàng không đồng ý với lý do không môn đăng hộ đối, ép chàng phải cưới cô gái mà họ đã chọn. Tuy không muốn nhưng để vẹn toàn đạo hiếu, chàng đành phải chấp nhận nhưng trong lòng luôn hướng về Thảo.
Về phía Thảo, khi nghe tin chàng về quê lấy vợ, nghĩ là chàng đã phụ tình mình nên ra hồ Than Thở, để lại hai câu thơ rồi gieo mình xuống hồ tự vẫn:
“Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau”
Biết tin người mình yêu tự vẫn, Tâm rất ân hận và đau buồn. Thay vì trở về quê, chàng quyết định xin đơn vị tham gia trận chiến. Không may anh bị thương rất nặng, đơn vị, bạn bè đã chăm sóc chữa trị nhưng không qua khỏi. Trong số những kỷ vật còn lại, người ta tìm thấy một dòng trong nhật ký dặn rằng: “Nếu không được chung một mái nhà thì chết nhất định sẽ chung một nấm mồ”.
Thương xót cho mối tình của đôi trai gái, đồng đội đã làm theo lời anh và lập một tấm bia “Mệnh chung”. Kể từ đó, đồi thông mang tên “Đồi thông hai mộ”. Nhiều cặp tình nhân tin rằng, nếu gặp trắc trở trong tình yêu, chỉ cần đến thắp hương ngôi mộ này, người đã khuất sẽ phù hộ cho chuyện tình của họ.
Tuy nhiên, nhiều năm sau, không hiểu vì lý do gì mà gia đình Tâm lên Đà Lạt, đưa mộ chàng về Gò Công. Một lần nữa quyết chia lìa đôi trai gái, bất kể nguyện vọng khi chàng trai còn sống. Sau này, khi mộ của cô giáo Thảo đổ nát, có người xót thương cho cặp tình nhân trẻ nên đã xây lại ngôi mộ của Thảo và xây thêm mộ của Tâm ngay bên cạnh.
Du khách khi ghé Đồi thông hai mộ vẫn sẽ thấy ngôi mộ của Lê Thị Thảo và Vũ Minh Tâm đứng cạnh nhau. Tuy nhiên, chỉ có ngôi mộ của cô gái là thật, còn ngôi mộ của chàng trai chỉ là sự tiếc thương của người đời về một mối tình đẹp nhưng không thành.
“Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng như lời xưa thề ước. Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô…” (Đồi thông hai mộ, Hồng Vân).
Bích Ngọc