Bích Ngọc - 14:27 21/08/2020
Vui cũng đi Đà Lạt, buồn cũng đi Đà Lạt. Hình như nơi đây có sức hút kì lạ nào đó khiến người ta mãi không chán, họ có một tình yêu mãnh liệt nhưng không thể "cưới" để rồi cứ âm ỉ trong tim. Và lắm kẻ hay than buồn chán lại là người du lịch thông thái và sâu sắc, hiểu được Đà Lạt để học cách sống chậm, không bon chen tại một vùng đất trên núi xa.
Có vị kiến trúc sư người Hà Nội trong nhiều hội thảo về đô thị Đà Lạt đã tự tin khẳng định: “Cái buồn cũng là tài sản của thành phố này”. Cái buồn không phải nơi nào muốn cũng có, và không phải nỗi buồn đô thị nào cũng sang.
Không chỉ là nỗi buồn của đất trời mà còn đến từ con người, nhà ở,... Các chuyên gia đô thị từng nhận định cái chất “Tây” trong nét kiến trúc Pháp thời thuộc địa cổ điển nhưng không lạc thời, chính những công trình ấy sinh ra “nỗi buồn đặc sản”, là “linh hồn” thâm trầm của đô thị Đà Lạt.
Kiến trúc biệt thự đặt ở đâu cũng có thể đẹp, nhưng phải xây ở Đà Lạt ngay dưới hàng cây, núp bóng thông ngàn, ven sườn núi, lũng đồi cao thấp ẩn hiện. Trước khói sương mờ ảo và tiếng gió reo ca, trước sự trầm lặng của của thiên nhiên lẫn thời gian thì nỗi buồn mới hiện lên rõ hơn bao giờ hết.
Sẽ thật đáng tiếc nếu phá bỏ một tòa nhà cũ kiểu Pháp rồi cất lên một căn mới với chất liệu hiện đại hơn, thi công kỹ thuật cao hơn thì cánh rừng thông và cái hồn nơi ấy cũng đã khác rồi. Không phải đô thị nào cũng “biết” buồn và có thể buồn. Nỗi buồn của kiến trúc khi đã thành “văn hóa” tạo nên sự đặc biệt cho Đà Lạt.
Còn có những nỗi buồn lúc đi qua những con dốc chênh vênh, sự thay đổi bất ngờ của địa hình, sự uốn lượn của đường phố. Cái mát lạnh của những cơn gió heo mây, cơn mưa phùn rơi lất phất cũng dễ dàng khiến người ta buồn. Những lúc này chỉ muốn nép mình trong một góc nhỏ để gặm nhấm nỗi buồn chợt đến rồi chợt đi.
Đà Lạt rồi sẽ thay đổi nhưng chắc chắn những hình ảnh đẹp nhất của nó vẫn in sâu trong tâm trí của nhiều người. Những nỗi buồn của thành phố mãi ở đấy đợi người đến cùng sẻ chia.
Bích Ngọc
(Ảnh: Sưu tầm)