Trân Bùi - 11:48 02/07/2020
Cây đô la (hay còn gọi là cây lá bạc) đã được trồng thử nghiệm thành công bởi gia đình ông Phạm Văn Kim (thôn 4, xã Tà Nung, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Hiện nay, mỗi ký lá từ loại cây này được bán với giá từ 80.000-140.000.
Vào mùa mưa năm 2019, ông Kim vô tình được một người họ hàng giới thiệu trồng cây đô la và nói sẽ cam kết thu mua. Vào đúng thời điểm đó, một phần diện tích cà phê của nhà ông đang cho năng suất kém. Sau một thời gian quyết định mày mò tìm hiểu về loài cây đô la này, ông Kim đã trồng thử nghiệm trên một góc vườn nhà mình. Đến khi cây lớn, cho năng suất cao và nhiều chủ đại lý hoa đến tận vườn thu mua, ông đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích. Hiện nay, khu vườn của gia đình có khoảng 200 cây đô la đã trưởng thành.
"Cây đô la có hai loại. Loại lá to được thu mua với giá 80.000 đồng/kg, lá nhỏ thì đắt hơn được mua với giá 140.000 đồng/kg. Hiện gia đình tôi đang trồng cả hai loại cây đô la này và xen thêm cây mimosa, tùng và mở rộng diện tích trồng cây đô la...", ông Kim chia sẻ. Được biết vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cây đô la lên đến 170.000 đồng/kg lá.
Cây đô la có tên khoa học là Pulverulenta baby blue, thuộc họ bạch đàn, có lá tròn nhỏ hoặc lá hình tim, mọc đối xứng, có mùi hương dịu nhẹ. Nếu ngắt cái lá rồi vò nhẹ, nó sẽ có mùi rất đặc trưng của cây họ bạch đàn. Tán lá tròn có màu sáng khi còn non, xanh lục khi đã trưởng thành. Cành đô la được dùng làm phụ kiện cắm hoa, trông rất nghệ thuật và lạ mắt. Cây này dễ trồng và nếu được chăm sóc tốt, nhà vườn có thể khai thác cành trong nhiều năm. Những cây đô la trong vườn nhà ông Kim được trồng với khoảng cách từ 1 – 1.5m. Có những cây lớn đến 3m, được bán với giá cao.
Tính đến nay, trên địa bàn xã Tà nung đã có hơn 10 hộ dân trồng cây đô la. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình họ bởi cách chăm sóc đơn giản nhưng thu hoạch được giá cao. Chính vì vậy nhiều người đổ xô đi trồng. Chị Nguyễn Thị Hằng - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Tà Nung nhận định: "Mặc dù là loại cây hiện mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên trước khi trồng, người dân cần phải làm việc với các đơn vị thu mua để tránh việc "cung vượt cầu", dẫn đến nhiều hậu quả không tốt về sau."
Bảo Trân
(Ảnh: Minh Hậu)