Trân Bùi - 16:50 17/02/2021
Cùng với tuyến đường sắt vẫn còn hoạt động ở Thụy Sĩ, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là hai tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nhất thế giới. Hãy cùng theo dấu tuyến đường sắt răng cưa vang bóng một thời này qua 5 điều thú vị về nó nhé!
Nhà ga do người Pháp bắt đầu xây dựng từ năm 1908 và hoàn thành vào năm 1932. Đây là ga đầu tiên trong tuyến đường sắt kéo dài 84km nối hai thành phố Đà Lạt và Phan Rang. Cho đến nay, đây là nhà ga cổ kính nhất Đông Dương còn sót lại ở Việt Nam, mang giá trị lịch sử vô cùng cao.
Đoạn đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1908 đến năm 1932, kéo dài 84km. Tuy nhiên đến năm 1976, để phục vụ cho việc sửa chữa tuyến đường sắt Bắc – Nam, ngành đường sắt buộc phải cho tháo dỡ tà vẹt và các thanh ray. Điều đó khiến toàn bộ tuyến đường sắt hiện tại chỉ còn 7km. Hiện nay trở thành tuyến đường từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (phường 11, Đà Lạt) - chuyến tàu duy nhất còn hoạt động ở Đà Lạt. Đồng thời cũng là đoạn đường sắt ngắn nhất thế giới (7km). Tàu đi khá chậm và tiếng kêu to, dù vậy vẫn có rất nhiều người yêu mến và muốn được trải nghiệm chuyến tàu hoài cổ này. Để đặt được vé tàu, du khách phải gọi điện đặt trước để giữ chỗ ngồi.
Năm 1986, tuyến đường sắt độc đáo bị khai tử, các trạm ga, những hầm xuyên núi trở nên hoang tàn. Các đầu máy hơi nước độc đáo chỉ có ở Việt Nam bị bỏ lăn lóc phơi nắng dầm mưa. Thời điểm này, Thụy Sĩ mở một chiến dịch mang tên “Back to Switzerland” để đưa những đầu máy hơi nước trên thế giới về nước.
Các kỹ sư Thụy Sĩ đến Đà Lạt tìm kiếm đầu máy hơi nước. Và năm 1990, người Thụy Sĩ đạt được thỏa thuận với ngành Đường sắt Việt Nam mua các đầu máy còn hiện hữu gồm: đầu máy, bộ sườn, toa tàu… với giá rất rẻ rồi vận chuyển về Thụy Sĩ tân trang. Những đầu máy hơi nước sau khi được tu sửa và đưa vào hoạt động tại nước này.
Trong khi đó, mãi tới tháng 9/1991, Liên hiệp Đường sắt khu vực III kết hợp với ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng mới khôi phục lại một đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Đoạn đường này chỉ dài 7km nhằm phục vụ du khách đến Đà Lạt tham quan. Hiện nay hoạt động trên tuyến đường này có hai đầu máy hơi nước. Một do Nhật chế tạo năm 1941 và một do Liên Xô cũ chế tạo năm 1968.
Tuyến đường sắt này từng sở hữu tới 5 đường hầm xuyên núi, tổng chiều dài lên đến cả ngàn mét. Ngoài ra còn có 46 cây cầu với hàng trăm cột đá được thiết kế thẳng để gác đường ray, đưa tàu vượt qua núi cao, đi từ đồng bằng ven biển cho đến vùng cao nguyên Đà Lạt với độ cao hơn 1.500m.
Khi vượt qua những độ cao “trên mây”, tàu không thể chạy được trên đoạn đường ray trơn thông thường. Do đó, đường sắt phải được thiết kế đặc biệt với 3 đường ray song song và đường ở giữa có răng cưa. Tuyến đường có tổng cộng 16km răng cưa, có thể vượt độ cao 1500m trên mực nước biển với độ dốc 12%. Khi đến gần đoạn răng cưa, người lái tàu phải giảm dần tốc độ, khởi động giàn bánh răng ở đầu tàu, sau đó móc vào đường ray răng cưa (nằm giữa hai thanh ray trơn) rồi khóa hệ thống bánh răng lại. Khi đó bánh răng của đầu máy sẽ bám chặt vào răng cưa của đường ray, tàu có thể leo dốc và xuống dốc một cách dễ dàng. Đặc biệt, những bánh răng cưa này có thể tự điều chỉnh chiều cao sao cho phù hợp với độ mòn của các bánh xe chạy trên mặt bằng.
Bảo Trân