Bích Ngọc - 20:02 02/11/2020
Các dinh thự, biệt điện ở Đà Lạt luôn làm trái tim du khách phải thổn thức. Kiến trúc Pháp đặc trưng hòa hợp với thành phố ngàn hoa đến lạ. Mọi người thường biết đến Dinh Bảo Đại, lăng Nguyễn Hữu Hào hay các khu biệt thự cổ mà ít ai biết đến biệt điện của đệ nhất phu nhân một thời. Biệt điện Trần Lệ Xuân với kiến trúc xa hoa, sang trọng. Cũng vì lí do đó mà Biệt điện Trần Lệ Xuân được mệnh danh là “ Đệ nhất trời Nam “ thời bấy giờ.
Biệt điện Trần Lệ Xuân hay còn có tên gọi khác là biệt thự Trần Lệ Xuân. Biệt điện gây choáng ngợp từ những bước chân đầu tiên vì sự rộng lớn và nguy nga.
Căn biệt điện được đặt tên theo phu nhân của Ngô Đình Nhu - anh trai của Ngô Đình Diệm. Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, mất năm 2011 tại Ý. Trong thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, bà đã từng giữ chức Chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới. Đồng thời là người có sức ảnh hưởng lớn trong quá trình Ngô Đình Diệm nắm quyền. Vào năm 1954 đến năm 1963, bà đã cùng chồng xây dựng biệt điện Trần Lệ Xuân - căn biệt thự nguy nga và lộng lẫy nhất thời bấy giờ.
Biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt chính thức được khởi công xây dựng vào năm 1958. Tổng diện tích lên đến 13.000m2 trên một ngọn đồi (nay thuộc đường Yết Kiêu, Đà Lạt). Trong biệt điện gồm có 3 biệt thự chính và một vườn hoa được thiết kế theo phong cách Nhật Bản. Việc dựng lên những công trình kiến trúc xa hoa đã tiêu tốn khá nhiều chi phí và nhân lực. Chính vì thế, biệt điện Trần Lệ Xuân còn được gọi bằng cái tên mĩ miều - "Đệ Nhất Trời Nam". Xứng danh số 1 về sự xa hoa và lộng lẫy nhất Đông Nam Á.
Vào năm 1963, nhà họ Ngô bao gồm: chồng và em chồng bà bị ám sát. Tài sản của gia đình bà bị tịch thu. Căn biệt điện Trần Lệ Xuân được sử dụng làm Bảo tàng sắc tộc Tây Nguyên. Sau năm 1975, căn biệt điện bị xuống cấp nặng nề. Do người dân sử dụng phòng ốc làm nơi chăn thả gia súc, gia cầm. Còn hồ bơi và hồ sen sử dụng làm nơi nuôi cá. Mãi cho đến năm 2007, nhà nước đã chi 53 tỉ đồng để trùng tu theo kiến trúc cũ. Mục đích để trở thành Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia và lưu trữ Mộc Bản Nhà Nguyễn. Biệt điện cũng được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Cho đến nay, biệt điện Trần Lệ Xuân là địa điểm du lịch Đà Lạt thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Biệt điện đón khách tham quan trong 2 khung giờ chính. Sáng: 7h30 - 11h30. Chiều: 13h30 - 16h30. Nơi đây mở cửa phục vụ du khách tất cả các ngày trong tuần. Bao gồm cả thứ 7, Chủ Nhật và các ngày lễ, Tết nữa nhé. Ngoài ra biệt điện Trần Lệ Xuân còn gần các địa điểm nổi tiếng như: nhà thờ Domain de Marie, cà phê Vườn Yên, Triệu Đóa Hồng,...
Biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt là sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Âu Chân và thiên nhiên xinh đẹp. Sự khéo léo kết hợp và bài trí của người nghệ nhân đã tạo ra một biệt viện sa hoa và lộng lẫy bậc nhất trời Nam. Giá vé tham quan biệt điện chỉ 20.000 đồng/ người. Đây là mức giá khá rẻ so với các khu du lịch tại Đà Lạt.
Biệt điện Trần Lệ Xuân tọa lạc tại số 2 Yết Kiêu, phường 6, Đà Lạt. Địa điểm này chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Nên bạn hoàn toàn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trên đây, 360dalat.com đã có sẵn bản đồ chỉ đường cực chi tiết. Bạn chỉ cần nhập địa điểm của mình là sẽ có ngay hướng dẫn đường đi nhé.
Với khuôn viên rộng 13.000 m2, khu biệt điện Trần Lệ Xuân gồm 3 biệt thự tuyệt đẹp là Hồng Ngọc, Lam Ngọc, Bạch Ngọc. Ngoài ra còn có khu vườn Nhật Bản lúc nào cũng xanh mướt cỏ cây. Khu hồ bơi nước nóng với dung tích lên đến 300m3 vô cùng sang chảnh.
Biệt thự Lam Ngọc là nơi nghỉ chân của vợ chồng bà Trần Lệ Xuân. Do đó nơi đây được trang trí xa hoa và lộng lẫy nhất trong 3 khu. Nơi đây được chia ra thành các phòng riêng biệt như: phòng họp, phòng làm việc, phòng khiêu vũ lớn và đặc biệt là phòng trang điểm rất bắt mắt. Hiện nay, phần lớn không gian của biệt thự Lam Ngọc được sử dụng làm bảo tàng.
Bên cạnh đó, trong căn biệt thự này cũng có hầm trú ẩn. Hầm được xây dựng bằng loại thép đặc biệt, có thể chống đạn. Người ta cho rằng: Đường hầm này sẽ thông ra sân bay Cam Ly. Tuy nhiên khi khám phá thì chỉ thấy một đường hầm thông với hầm trú ẩn. Có thể là do công trình đang thi công, chưa kịp hoàn thành mà chế độ đã bị lật đổ.
Căn biệt thự Bạch Ngọc được xây dựng gấp khúc gồm nhiều phòng lớn nhỏ nối liền với nhau. Đây được xem như là căn biệt thự nguy nga nhất trong 3 căn. Mục đích xây dựng là nơi giải trí cho gia đình bà và các sĩ quan. Gồm: phòng yên tiệc, phòng khiêu vũ, phòng trang điểm,... Phía trước căn biệt thự là bể bơi nước nóng. Dung tích 300m3. Độ sâu 1,2m - 2,2m. Đây là bể bơi nước nóng duy nhất toàn miền Nam thời bấy giờ. Càng làm tăng thêm độ xa hoa cho căn biệt thự.
Nếu men theo con đường đồi thông, du khách sẽ đến biệt thự Hồng Ngọc. Khu biệt thự này là món quà của bà dành cho cha - ông Trần Văn Chương. Tuy có diện tích nhỏ hơn so với 2 căn biệt thự trên. Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển đặc trưng với những cột tròn và trang trí bằng đá xám màu phù hợp cho người lớn tuổi sinh sống.
Dù được thiết kế thành 3 căn biệt thự riêng biệt. Nhưng tất cả đều được gắn kết bằng lối đi vào vườn hoa độc đáo. Khu vườn nơi đây mang đậm phong cách Nhật Bản với sự kết hợp hài hòa giữa thảm có xanh rì, bãi đá đặc trưng của kiến trúc Nhật và ngàn hoa rực rỡ. Ngoài ra có cả một hồ sen vô cùng ấn tượng. Khi được bơm đầy sẽ tạo hình địa đồ Việt Nam.
Biệt điện Trần Lệ Xuân Đà Lạt nay là nơi trưng bày những tư liệu về Đà Lạt. Đồng thời đây cũng là nơi triển lãm thông tin đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Ngoài việc tham quan thì nơi đây còn giúp du khách tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo nước mình. Dưới đây là 1 số hình ảnh để giúp du khách hình dung ra sự xinh đẹp của khu biệt điện này.
Đến với biệt điện Trần Lệ Xuân, du khách sẽ cảm nhận được về cuộc sống xa hoa của các viên chức thời bấy giờ. Cũng như tìm hiểu thêm nhiều thông tin quý giá về Đà Lạt, về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu có dịp đến với Đà Lạt, đừng bỏ lỡ địa điểm này bạn nhé!
Bích Ngọc