Bích Ngọc - 14:58 15/12/2020
Đến Đà Lạt người ta hay truyền tai nhau những điều kì bí của thành phố. Những câu chuyện tâm linh ở đây dường như cũng trở thành "đặc sản" Đà Lạt. Và hơn hết, là những bí ẩn vẫn chưa có lời giải đáp khiến nhiều người tò mò. Một trong số đó là chiếc bàn xoay Đà Lạt từ khi xuất hiện đã gây nhiều tranh cãi. Hầu hết du khách khi ghé thăm thành phố này, đều mong muốn được một lần tận tay sờ và trải nghiệm. Để xóa bỏ hết nghi ngờ liệu đây là sự thật hay chỉ là một bí ẩn được thần thánh hóa. Nếu tò mò và muốn tìm hiểu kỹ càng thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Những năm gần đây, báo chí liên tục viết bài về hiện tượng những chiếc bàn tự quay kỳ lạ ở nhiều nơi khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ, thực hư chưa rõ ràng. Chiếc bàn xoay này có ở nhiều nơi như Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng… từ hàng trăm năm nay. Từ khi xuất hiện ở Đà Lạt, nó trở thành hiện tượng rầm rộ một thời.
Theo như nhiều người truyền lời, chiếc bàn xoay Đà Lạt có thể "hiểu ý nghĩ" của con người. Chỉ cần đặt tay lên bàn và ra lệnh thì nó có thể tự di chuyển dù không hề có tác động lực từ con người. Càng đông người, chiếc bàn xoay càng mạnh. Nhưng chỉ cần suy nghĩ "dừng lại" đồng đều thì chiếc bàn sẽ dừng ngay lập tức. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp hy hữu xảy ra, tùy thuộc vào "vía" của người tham gia. Nhiều người dù đặt tay rất lâu nhưng chiếc bàn chỉ chuyển động rất nhẹ. Hoặc đôi khi không hề chuyển động.
Hiện nay, có khoảng 4 chiếc bàn xoay Đà Lạt được đặt tại các địa điểm khác nhau. Dù không được quảng cáo rầm rộ nhưng nó cũng thu hút được một lượng lớn khách du lịch tới tham quan mỗi ngày. Cùng 360dalat.com khám phá các địa điểm có chứa chiếc bàn bí ẩn này nhé!
Chùa Tàu gây ấn tượng mạnh với du khách bởi những công trình kiến trúc đậm nét Á Đông. Các tòa bảo điện, các pho tượng vừa mang giá trị vật chất, vừa mang giá trị về tinh thần. Tọa lạc ngay trên đồi Rồng lộng gió, xung quanh là rừng thông bạt ngàn, khung cảnh yên bình đối lập với phố thị náo nhiệt. Không chỉ là nơi thăm viếng, du khách còn có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng cảnh quan thiên nhiên được ưu ái. Chùa Tàu là nơi đầu tiên ở Đà Lạt có chiếc bàn xoay kì lạ. Thoạt nhìn thì chiếc bàn này khác giống với các bàn ăn bình thường khác. Nhưng chỉ cần đặt tay lên, nhắm mắt tâm tịnh thì tự khắc chiếc bàn sẽ tự xoay theo hướng mình mong muốn.
Bàn xoay Đà Lạt tại Khe Sanh là địa điểm nổi tiếng nhất. Có xuất xứ từ Bình Định và tuổi đời lên đến hàng trăm năm trước khi về Đà Lạt. Chiếc bàn này thuộc sở hữu của ông Lưu Xuân Hưởng, tọa lạc tại số 34 Khe Sanh. Đây là chiếc bàn được đánh giá chuẩn, nhạy. Không cần phải mất nhiều thời gian "làm quen" để chiếc bàn có thể di chuyển. Hầu như du khách nào thử nghiệm đều cảm thấy rất hào hứng. Chỉ cần ra hiệu là nó sẽ tự xoay theo ý nghĩ của mình.
Đồi Mộng Mơ khoác lên mình vẻ đẹp tươi xanh, đầy chất thơ như chính tên gọi của nó. Đây cũng là địa điểm check-in mỏi tay vì đâu đâu cũng là góc đẹp. Ngoài ra, cạnh đó là hệ thống nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nghỉ dưỡng… Không chỉ thế mà đồi Mộng Mơ còn có các làng văn hóa dân tộc đặc sắc của mảnh đất Tây Nguyên. Đến đây tham quan, đừng quen ghé qua chiếc bàn xoay Đà Lạt thần kỳ. Một địa điểm tham quan mang ý nghĩa tâm linh mà ai cũng muốn trải nghiệm một lần.
Chùa Linh Phước đã quá nổi tiếng với du khách gần xa. Ngôi chùa sở hữu kiến trúc độc đáo được xây dựng từ những mảnh sành, sứ, ve chai được đập nhỏ. Du khách khi đến đây, ngoài việc thưởng ngoạn cũng như cầu nguyện còn có thể tham quan chiếc bàn xoay chùa Linh Phước độc đáo. Bí quyết để chiếc bàn có thể xoay được thì đầu óc không được suy nghĩ nhiều, tâm phải tĩnh. Chỉ cần muốn chiếc bàn xoay theo hướng này là tự động sẽ di chuyển theo hướng đó. Không chỉ một người, mà nhiều người có thể cùng lúc khiến chiếc bàn tự quay với điều kiện cùng nghĩ về một hướng quay.
Chiếc bàn được làm theo công thức bí truyền và không lan truyền ra ngoài. Vật liệu chính là từ các tấm gỗ rời thay vì là một mặt phẳng nguyên khối. Hiện bàn xoay Đà Lạt đều giống nhau về cách cấu tạo. Khác ở phần số lượng trụ nối giữa đế và thân bàn. Nhưng nhất định phải là số chẵn, như 2 hoặc 4 trụ.
Theo cách lý giải của dân gian, phần lớn bàn được làm từ gỗ mít cổ thụ hoặc gỗ mít nài. Đây là loại cây được trồng tại những nơi có thổ nhưỡng đặc biệt, giúp cây có thể hấp thụ được một loại năng lượng nào đó để tạo nên khả năng kỳ lạ này.
Tuy nhiên theo phân tích của các nhà khoa học, chiếc bàn chịu tác động từ 3 lực: Lực của điền từ trường, lực sinh học và lực cơ học. Khi tham gia, người đặt tay lên chiếc bàn phát sinh tự kỷ ám thị rồi dần dần dẫn đến ảo giác khiến cho người ta cảm thấy có xu hướng vô thức nương theo chiều quay mà họ mong muốn. Đó là chưa kể khi có nhiều người, có tác động "đẩy" nhiều hơn khiến chiếc bàn cũng quay nhanh hơn và khi dừng lại cũng áp dụng theo nguyên lý như vậy.
Cuộc sống luôn có những điều kì bí khó mà làm sáng tỏ. Chiếc bàn xoay Đà Lạt mang trong mình nhiều bí ẩn khiến người ta tò mò, muốn khám phá. Khiến những ai ghé thăm Đà Lạt đều muốn trải nghiệm một lần.
Bích Ngọc