Thu Hà - 13:43 09/05/2024
Bên cạnh những ngôi chùa nổi tiếng Đà Lạt như chùa Linh Phước hay Linh Ẩn Tự thì chùa Tàu cũng là địa điểm tham quan thú vị khi ghé xứ sở ngàn hoa. Ngôi chùa nhỏ linh thiêng còn gắn liền với nhiều giai thoại huyền bí tâm linh vô cùng hấp dẫn.
Chùa Tàu Đà Lạt có tên gốc là chùa Thiên Vương Cổ Sát hoặc chùa Phật Trầm, được xây dựng từ năm 1958 theo kiến trúc Trung Hoa nên thường được biết đến với tên gọi chùa Tàu.
Chùa do hòa thượng Thọ Dã, hội quán Triều Châu đặt nền móng khởi công, ban đầu chỉ gồm 3 gian lợp mái tôn, làm nơi sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Hoa, và nơi tu tập của những lữ tu hành sử dụng tiếng Quảng Đông. Năm 1989, chùa Tàu được nâng cấp, tu sửa lại và vẫn giữ nguyên thiết kế như hiện tại.
Đà Lạt Thiên Vương Cổ Sát hay chùa Tàu nằm ở số 31C đường Khe Sanh, phường 10, cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Đường đến chùa Tàu dễ đi, có thể di chuyển bằng nhiều phượng tiện như xe máy, ô tô, xe khách…
Để đến chùa Tàu từ trung tâm Đà Lạt, các bạn đi theo hướng cầu Ông Đạo ra đường Trần Quốc Toản, sau đó đi tiếp đến đường Hồ Tùng Mậu. Sau khi đi hết Hồ Tùng Mậu thì rẽ vào Trần Hưng Đạo để đến Khe Sanh. Đi khoảng 1.5km trên đường Khe Sanh, các bạn sẽ cán đích chùa Tàu Đà Lạt.
Chùa Tàu có tên chính thức là Thiên Vương Cổ Sát bởi bên trong chánh điện, Từ Bi Bảo Điện, có thờ Tứ Vị Thiên Vương, lần lượt là Tăng Trưởng Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, và Đa Văn Thiên Vương.
Ngoài ra, chùa Tàu Đà Lạt còn có một tên gọi khác ít phổ biến hơn là chùa Phật Trầm do sở hữu 3 pho tượng Phật giá trị tại Quang Minh Bảo Điện. Những bức tượng này được chính vị hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông, trong đó mỗi bức có trọng lượng hơn 1500kg và được làm hoàn toàn từ loại gỗ Trầm quý hiếm.
Nổi tiếng với không gian linh thiêng nên chùa Tàu Đà Lạt thu hút rất đông khách thập phương đến cầu bình an, cầu duyên và xin xăm. Nơi đây thường được biết đến là ngôi chùa xin xăm ở Đà Lạt cho khách du lịch.
Để xin xăm tại chùa Tàu, các bạn đi vào điện đầu tiên của ngôi chùa sau đó nhìn sang phòng bên trái sẽ thấy có một thùng xin xăm màu đỏ, trên đó có đĩa đựng các đồng xu. Bên cạnh là hòm công đức màu đỏ sậm, nếu bạn muốn quyên góp tiền từ thiện thì cho tiền vào thùng này.
Để xin xăm tại chùa Tàu Đà Lạt, bạn lấy đồng xu trên đĩa rồi cầu nguyện, sau đó bỏ đồng xu vào khe nhỏ bên thùng lấy xăm. Đợi một lúc sẽ có chú tiểu mang quẻ của bạn ra. Quẻ xăm sẽ được bọc trong ống nhựa. Bạn chú ý sau khi lấy thẻ xăm của mình thì để lại ống nhựa nhé.
Không chỉ ở chùa Tàu mà tại rất nhiều nơi khác đều sở hữu những chiếc bàn xoay kỳ lạ mang theo nhiều giai thoại kỳ bí. Tuy nhiên thì chỉ khi xuất hiện ở Đà Lạt mà chiếc bàn xoay mới trở thành một hiện tượng rầm rộ, thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
Theo nhiều truyền thuyết, chiếc ban xoay kỳ lạ ở chùa Tàu có thể hiểu ý nghĩ của con người. Chỉ cần bạn đặt bàn tay lên bàn và ra lệnh thì chiếc bàn có thể tự di chuyển. Càng nhiều người đặt tay thì bàn xoay càng nhanh, nhưng chỉ cần mọi người có cùng suy nghĩ dừng lại thì chiếc bàn cũng dừng ngay lập tức.
Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng xảy ra trường hợp trên. Nhiều người khi đặt tay lên bàn vẫn không dịch chuyển, hoặc chỉ di chuyển rất nhẹ. Những người tin vào bàn xoay cho rằng đây tùy thuộc vào “vía” của người tham gia.
Thoạt nhìn thì chiếc bàn xoay ở chùa Tàu Đà Lạt không có gì đặc biệt, chỉ giống như một chiếc bàn ăn bằng gỗ bình thường. Nhưng nhiều du khách, thậm chí cả giới báo chí, cũng từng tìm đến đây để tự trải nghiệm chiếc bàn tự xoay này.
Bàn gỗ được thiết kế mặt tròn, có 2 đế gỗ vuông ghép song song qua 4 cột tròn để giữ mặt bàn thêm chắc chắn. Ở giữa 2 đế hình vương có lỗ tròn để tra cán, vì vậy mà du khách có thể nhấc mặt bàn khỏi trục một cách khá dễ dàng.
Rất nhiều phóng viên và khách du lịch đã thử nghiệm đặt tay lên bàn, tâm tịnh, tập trung suy nghĩ về hướng di chuyển bên trái-phải và tuyệt đối không nói ra. Thực tế bàn đã xoay và dừng theo ý nghĩ của họ, ngay cả khi được tháo rời mặt bàn đặt chắc chắn xuống đất. Du khách cũng đã thử ngửa bàn tay để giảm tối đa lực tác động nhưng bàn vẫn xoay dù nhẹ hơn. (Theo T.L - Tạp chí du lịch)
Sau đây là một số lưu ý quan trọng trước và trong khi ghé thăm chùa Tàu Đà Lạt, được tổng hợp bởi đội ngũ 360dalat:
Du khách cần mặc trang phục kín đáo, lịch sự khi vào chùa.
Mọi người nên giữ im lặng, duy trì thái độ điềm tĩnh, đi nhẹ nói khẽ cười duyên, tránh làm ảnh hưởng đến không gian tu tập tại chùa.
Tuyệt đối không bẻ cây, ngắt hoa, hoặc làm hư hại cảnh quan trong khuôn viên. Không tự ý sử dụng hoặc dịch chuyển đồ vật trong chùa.
Hạn chế quay phim chụp ảnh bên trong điện thờ. Các ekip quay chụp ảnh cưới hoặc theo đoàn cần xin phép trước.
Luôn hỏi ý kiến nhà chùa nếu muốn thực hiện việc gì đó không có trong nội quy.
Sau khi tham quan chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt, du khách có thể cân nhắc thêm nhiều địa điểm du lịch thú vị khác tại thành phố ngàn hoa, điển hình như:
Kết lại, chùa Tàu Đà Lạt không đơn thuần là một địa điểm du lịch mà trên hết là chốn linh thiêng, nơi sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng. Vì vậy, khi đến đây, các bạn cần nghiêm ngặt tuân thủ các quy định tại chùa và giữ hành vi đúng mực.
>>> Tham khảo: 20 địa điểm du lịch Đà Lạt đẹp nổi tiếng 2024