Bích Ngọc - 15:56 22/04/2021
Ai cũng biết đến vẻ đẹp sa hoa, lộng lẫy của 3 khu Dinh thự vua Bảo Đại. Ít người biết rằng vợ của ông là Nam Phương Hoàng Hậu cũng sở hữu cung điện đẹp không kém phần. Nhắc đến những dinh thự chuẩn Pháp khó mà bỏ qua cung Nam Phương Hoàng Hậu. Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu hệ thống lò sưởi đẹp nhất Đà Lạt.
Cung Nam Phương Hoàng Hậu nép mình trong khuôn viên của Bảo tàng Lâm Đồng. Là dinh thự mà cha của Hoàng hậu tặng cho bà. Dinh thự này có thiết kế rất ấn tượng. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai yêu thích lịch sử.
Dinh có 3 tầng, diện tích sử dụng khoảng 500m2. Bao gồm tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Đến thăm cung Nam Phương Hoàng Hậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc xinh đẹp. Mà còn có thấy được lối sống giản dị. Nhân cách cao quý và vẻ đẹp tuyệt vời của vị Hoàng hậu cuối cùng của đất nước Việt Nam.
Cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Gần Dinh 1 và Dinh 2 của vua Bảo Đại. Từ chợ Đà Lạt bạn đi qua cầu Ông Đạo lên đường Hồ Tùng Mậu. Từ đây bạn di chuyển đến đường Trần Hưng Đạo, chạy thẳng Trần Hưng Đạo nhìn bên phía tay phải đường là bảo tàng Lâm Đồng.
.
Đường đi dễ dàng và vô cùng thuận tiện. Bảo tàng Lâm Đồng nằm ngay mặt tiền nên rất dễ bắt gặp. Nếu lo lắng lạc đường hãy dùng bản đồ mà 360dalat.com để ở trên!
Địa chỉ: 04 Hùng Vương, Phường 10, Đà Lạt.
Trải qua thăng trầm lịch sử, tòa dinh thự vẫn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu với nhiều hiện vật gốc. Hiện này, được sử dụng vào mục đích chính là nơi tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan. Sinh năm 1914 tại Gò Công nay thuộc thị xã Gò Công (Tiền Giang). Cha bà, cụ Nguyễn Hữu Hào một người giàu có bậc nhất tại miền Nam. Mẹ bà, cụ Lê Thị Bình là con gái Lê Phát Đạt - một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Vua Bảo Đại bất chấp tất cả để lấy bằng được người đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà là Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Sau nhiều năm chung sống, bà có với vua Bảo Đại 5 người con, 2 hoàng tử và 3 công chúa.
Cung điện là của hồi môn mà thân phụ của Nam Phương tặng khi bà lấy vua Bảo Đại. Dinh thự do ông Nguyễn Hữu Hào xây dựng năm 1932 vốn để làm nơi nghỉ dưỡng. Sau đó, ông tặng lại cho con gái mình như một món quà đầy ý nghĩa khi lấy chồng.
Cung Nam Phương Hoàng Hậu ở Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng khi Dinh 3 chưa xây dựng xong. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời Hoàng Hậu Nam Phương cùng cựu hoàng Bảo Đại.
Cho đến nay nhiều đồ đạc, vật dụng của bà vẫn còn được giữ nguyên. Đến địa điểm này, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những đồ vật vô giá được truyền từ rất lâu đời.
Cung Nam Phương Hoàng Hậu là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp và cổ điển Á Đông. Nổi bật với mái lợp ngói, tường gạch, đá dày 40cm. Điều này để đảm bảo độ ấm cho từng phòng, cũng như sự mát mẻ khi có nắng nóng. Cung điện có tổng cộng 10 phòng, trong đó phòng của Nam Phương Hoàng Hậu nằm ở tầng 2.
Tầng lầu được xây theo hình ngũ giác vọng nguyệt với mái ngói nhô ra. Đây cũng là nơi trưng bày những vật dụng dưới triều Nguyễn. Ngoài ra còn có phòng ngủ của thái tử, phòng chờ, phòng khách, phòng bếp.. Tất cả đều được thiết kế sang trọng, ấm áp. Cách bài trí của dinh thự làm nổi bật lên cuộc sống vương giả một thời.
Điểm không thể thiếu trong nét kiến trúc Pháp tại Đà Lạt là lò sưởi. Không chỉ để sưởi ấm mà nó còn là vật dụng trang trí có tính thẩm mỹ cao. Cung Nam Phương Hoàng Hậu được thiết kế 9 lò sưởi. Với kích cỡ, chất liệu, kiểu dáng hoàn toàn khác nhau. Hầu hết các lò sưởi được ốp đá bán quý nhập ngoại.
Đẹp nhất phải kể đến lò sưởi ở phòng tiệc. Mặt lò sưởi được ốp đá hoa cương nhập từ nước Ý, với kích thước lớn nối từ sàn nhà lên tới trần nhà (cao 3m, rộng 2m). Theo đánh giá của các chuyên gia, thì đây là một trong những kiến trúc lò sưởi đẹp nhất nhì trong hệ thống lò sưởi của các biệt thự cổ tại Đà Lạt.
Có thể nói cung Nam Phương Hoàng Hậu Đà Lạt có vị trí rất đắc địa. Tọa lạc tại một ngọn đồi cao, nơi có thể thu hết toàn cảnh thành phố. Mặc dù có tường rào bảo vệ nhưng được xây dựng thấp. Thế nên tầm nhìn không hề bị cản trở.
Không thể thiếu khuôn viên tràn ngập cây xanh của cung điện. Hoa cỏ nơi đây xanh tốt quanh năm, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng đầy lãng mạn. Từng tiểu cảnh riêng được chăm chút tỉ mỉ. Chúng góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp của cung Nam Phương Hoàng Hậu.
Người ta từng phát hiện có dấu hiệu cho thấy từng có đường hầm tồn tại ở đây. Theo những giả thuyết thì đường hầm ở cung được thông với Dinh 1, Dinh 2 của vua Bảo Đại. Xét theo vị trí địa lý thì cung Nam Phương Hoàng Hậu chỉ cách 2 Dinh của vua Bảo Đại tầm 1 đến 1,5km. Cả 3 nơi này đều nằm trên một đường thẳng và khoảng cách không xa.
Đặc biệt tại Dinh 1 của vua Bảo Đại người ta đã phát hiện ra đường hầm bí mật. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại xuyên thẳng ra bãi trực thăng gần đó. Ngoài ra cũng có nhiều vết tích xuyên từ nơi này đến quả đồi Dinh 2.
Cung Nam Phương Hoàng Hậu đã và đang bảo tồn những giá trị lịch sử vô giá. Ghé thăm Đà Lạt, du khách có thể đến đây để biết thêm nhiều thông tin lịch sử hữu ích nhé!
Bích Ngọc