Huyền Nguyễn - 15:52 16/04/2020
Khi nhắc đến các dinh thự cổ ở Đà Lạt, người ta sẽ nhớ đến Dinh Bảo Đại, Lăng Nguyễn Hữu Hào hay biệt điện Trần Lệ Xuân. Nhưng ít ai biết đến sự tồn tại của Dinh tỉnh trưởng nằm trên một ngọn đồi cao ở trung tâm thành phố.
Trước đây, dinh thự cổ này được dùng làm nơi làm việc và sinh sống của thị trưởng kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức tại Đà Lạt nên được gọi là dinh tỉnh trưởng. Tọa lạc trên một ngọn đồi có khuôn viên rộng thoáng cao hơn 1500m so với mực nước biển, dinh tỉnh trưởng là một khối kiến trúc hình vuông được bao quanh bởi rất nhiều cây cổ thụ. Nơi này cũng được nhiều chuyên gia trong giới nghiên cứu về kiến trúc và phong thủy đánh giá là “cao điểm long mạch”, nằm ở vị trí đắc địa có tầm nhìn rộng về các hướng xung quanh, đặc biệt là hồ Xuân Hương.
Dinh thự mang lối kiến trúc cổ điển của các tòa dinh thự châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX này được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp vào khoảng trước năm 1910, được xem là một trong những công trình kiến trúc lâu năm nhất và cũng đẹp bậc nhất tại thành phố sương mù.
Tổng thể dinh thự là một khối hình vuông có hai tầng phía trên và một trệt dùng làm hầm để rượu. Phía sau có hai dãy nhà trước đây là nơi ở cho người giúp việc và người hầu. Cạnh các nhà phụ là hai hồ chứa nước lọc được cung cấp cho vùng trung tâm Đà Lạt.
Sau này, khu dinh thự được dùng làm bảo tàng trưng bày những hình ảnh cổ xưa cùng với những kỷ vật văn hóa của người Đà Lạt. Sau khi bảo tàng dời đi, dinh tỉnh trưởng bị bỏ hoang cho đến tận ngày nay và những thế hệ người trẻ sinh sống tại Đà Lạt dường như nhiều người cũng vì vậy mà không biết đến sự tồn tại của nơi này.
Theo nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng khoảng rừng nhỏ trên ngọn đồi khu dinh tỉnh trưởng là mảng xanh đô thị duy nhất còn sót lại vẫn đang phần nào tạo sự cân bằng cảnh quan vốn hiếm hoi của khu Hòa Bình nói riêng và toàn khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt nói chung.
Nhưng đáng tiếc rằng mới đây, đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình được công bố và dinh tỉnh trưởng sẽ bị di dời để xây dựng một khu thương mại, khách sạn có khối tích lớn cao 10 tầng, cùng rạp Hòa Bình cũng bị tháo dỡ.
Việc quy hoạch sẽ khiến cho trung tâm thành phố khang trang hơn, phát triển hơn nhưng vì đây là những công trình mang đậm các yếu tố văn hóa, lịch sử vùng đất cùng những dấu ấn rất riêng của thành phố cao nguyên nên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân cũng như giới chuyên môn. Cũng ngay sau khi đồ án quy hoạch được công bố mà nhiều người biết và tìm đến dinh tỉnh trưởng để tận mắt chiêm ngưỡng, chụp những bức ảnh kỷ niệm tại công trình kiến trúc cổ kính này.
Khánh Ngọc