Trân Bùi - 18:24 18/06/2020
Triển lãm kỷ vật văn hóa Đà Lạt được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Lâm Đồng long trọng tổ chức buổi khai mạc vào sáng ngày 16/6 tại Dinh Tỉnh Trưởng (số 1 Lý Tự Trọng, Đà Lạt). Tại đây có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Nguyên – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, nhà Đà Lạt học Lê Phỉ, ngài Nicolas Leymonerie – Đại diện cộng đồng Pháp ngữ tại Đà Lạt, các nhà sưu tầm kỷ vật, cổ vật, cùng đông đảo người yêu Đà Lạt.
Triển lãm giới thiệu gần 1.500 hiện vật, tranh ảnh, là những minh chứng lịch sử của Đà Lạt qua 127 năm thành lập và phát triển. Buổi triển lãm được tổ chức với 6 chủ đề: Ký ức Bazan, Âm trầm, Nguyên quán, Khoảng lặng, Thời ấy và Khám phá. Tất cả được chia thành từng khu riêng biệt, giúp người xem có thể dễ dàng tham quan triển lãm.
Phần không gian "Ký ức bazan" trưng bày những dụng cụ lao động phục vụ cho đời sống sản xuất, sinh hoạt của người Lạch (một nhóm dân tộc K'ho). Đó là những chiếc cồng chiêng, vật dụng thổ cẩm, choé, đồ trang sức, gùi, các loại nhạc cụ tre nứa… Ngoài ra còn có các vật dụng bằng đồng như: Nồi, mâm, bàn ủi than, cân móc, chiếc đèn dầu, bộ đồ nghề, công cụ lao động, tráp cau trầu, trang phục áo dài…
Ở phần “Âm trầm”, “Khoảng lặng”, “Thời ấy” là không gian trưng bày các ấn phẩm văn hoá và phương tiện nghe nhìn của người Đà Lạt từ những năm 1950 – 1990 với bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc bằng bút lửa đầu tiên năm 1976, các loại băng đĩa, sách, máy chiếu phim, máy đánh chữ, máy tính, điện thoại,... Các loại tem phiếu thời bao cấp, sổ sách đã nhuốm màu thời gian cũng được trưng bày ngay ngắn trong những chiếc tủ kính. Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vợ chồng nhạc sĩ – ca sĩ Uyên – Phương cũng được tái hiện qua những tranh ảnh, tivi,...
Đến với không gian "Khám phá", bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về những người đã có công khám phá và đặt nền móng xây lên một Đà Lạt xinh đẹp. Đó là những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác sĩ A.Yersin, những đóng góp của ông với nền y học của nhân loại và với Việt Nam, với Đà Lạt. Bên cạnh đó, những chiếc máy hát xưa, chiếc lò sưởi cũng được đặt trong phần không gian này.
Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật vô cùng ý nghĩa mang chiều sâu về nghiên cứu và tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của Đà Lạt. Triển lãm giúp cho những thế hệ trẻ sau này có thêm sự hiểu biết về lịch sử của dân tộc. Bên cạnh đó, đây còn là sự tri ân đối với những thế hệ đã lưu giữ kỷ vật góp phần lưu giữ và vun đắp truyền thống văn hóa tốt đẹp, tạo nên không gian văn hóa độc đáo, thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu.
Bảo Trân