Huyền Nguyễn - 16:20 16/04/2020
Ở tiền sảnh, hai bên cửa được dát hình cọp, tượng trưng cho sức mạnh và phượng hoàng, tượng trưng cho sự thông thái. Người dân tộc cảm thấy an toàn khi có con cọp canh gác gần đó và con phượng hoàng cảnh báo từ xa. Ngoài ra, hai biểu tượng này mang ý nghĩa tôn giáo, rằng: bản năng người nguyên thủy sống hoang dã như cọp, nhưng khi được Chúa hoàn thiện thì trở nên khôn ngoan như phượng hoàng.
Từ chính diện phía đầu hồi, mái nhà cao hơn 17m gợi tưởng hình mũi tên vút lên trời cao; phía mặt bên trông xa giống như hình lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời, đó là hình ảnh các vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân tộc.
Không gian ánh sáng huyền ảo vì bên trong Thánh điện được trang trí bởi rất nhiều cửa sổ hình vuông, hình tam giác theo hoa văn dân tộc đầy màu sắc. Với hình vuông tượng trưng cho vũ trụ, còn hình tam giác tượng trưng cho sự ưu việt của Chúa Jesus.
Phía trên chính điện có một bàn thờ dài 3,9m và rộng 0,9m được làm từ gỗ thông già được hong khô tận 15 năm lấy trên đỉnh núi Lang Biang. Dưới cây thánh giá, trên tường đá hoa văn có gắn ba chiếc sừng trâu được xem là biểu tượng của vật tế lễ thần khi được mùa, vừa là người bạn trong sản xuất vụ mùa. Hình ảnh này rất đỗi gần gũi, thân thuộc đối với những người đồng bào thiểu số.
Từ trước khi xây dựng nhà thờ, nơi đây đã cưu mang và nuôi dạy rất nhiều thế hệ trẻ em đồng bào dân tộc nghèo quanh vùng. Sau khi thống nhất đất nước, nhà thờ trở thành nhà nguyện của dòng tu Mến thánh giá. Hằng mấy thập kỷ qua, các sơ thường đi về những buôn làng dân tộc ở các huyện Di Linh, Đam Rông để đưa những trẻ em nghèo về chăm sóc, cho các em được ăn học từ lớp 1 đến tận lúc vào đại học.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Nhà thờ Cam Ly vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của nó như buổi đầu mới xây dựng. Đến đây, bạn không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp u hoài của một nhà thờ cổ, mà còn là vẻ đẹp toát lên từ tấm lòng của các sơ, các dì đã dày công chăm sóc nuôi dạy bao thế hệ trẻ em dân tộc nghèo cũng làm bạn ấm lòng giữa thành phố mộng mơ.
Địa chỉ: 01 Nguyễn Khuyến, phường 5, thành phố Đà Lạt.
Khánh Ngọc