Bích Ngọc - 11:14 12/08/2021
Qua những bức ảnh xưa, chợ Đà Lạt được tái hiện hết sức gần gũi. Dù kĩ thuật thời đó còn hạn chế nhưng vẫn thể hiện được sự gần gũi, thân thương và tràn đầy màu sắc.
Chợ Đà Lạt không rõ có từ lúc nào, chỉ biết rằng cho đến khi Hébrard hoàn thành đồ án quy hoạch thị xã Đà Lạt vào năm 1923 thì người ta cũng được biết đến một ngôi chợ ở vị trí ấp Ánh Sáng ngày nay. Đến năm 1929, khi dân số Đà Lạt đã lên đến 2.000 người, công sứ Chassaing đã cho dời ngôi chợ này về khu Hòa Bình ngày nay. Do chợ còn được dựng sơ sài bằng ván gỗ, lợp mái tôn nên còn được gọi là “Chợ Cây”.
Chợ Cây hội họp được 2 năm thì vào năm 1931 một cuộc hỏa hoạn lớn đã xảy ra thiêu rụi chợ và hàng hóa xung quanh. Sau đó, đến năm 1937 nhà cầm quyền đương thời cho xây dựng lại một ngôi chợ mới bằng gạch khang trang (nay là rạp 3/4) thay thế cho chợ Cây để đáp ứng nhu cầu mua bán sinh hoạt cho hơn 6.500 người dân.
Năm 1958, chính quyền Sài Gòn đã cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại. Vùng đất trống dưới thung lũng được tính toán xây dựng một ngôi chợ mới có 2 tầng và một sân thượng. Kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức đã lên kế hoạch thiết kế lại khu chợ tại vùng đất sình lầy (chính là Chợ Đà Lạt bây giờ).
Chợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 1960, đây là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam. Còn về ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, được thiết kế cải tạo thành rạp hát Hòa Bình với các cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh.
Đến năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 100 năm tìm ra Đà Lạt, dưới sự đầu tư Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Ngân hàng Việt Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc sư Lê Văn Rọt và Trần Hùng đã có bản thiết kế xây dựng thêm khu B của chợ Đà Lạt từ đó quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra hết sức đông đúc và nhộn nhịp.
Những ngày đầu mới thành lập, quang cảnh thoáng đãng và ít cây cối khiến chợ nhìn hoang sơ. Tuy vậy vẫn thu hút nhiều người dân đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng lân cận cũng thường xuyên đến xem và mua hàng.
Trải qua thời gian với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chợ Đà Lạt giờ đây đã nhộn nhịp và khang trang hơn với hàng nghìn gian hàng bày bán đa dạng, phong phú. Từ các mặt hàng đến từ mọi miền cả nước ho đến các sản vật đặc trưng của vùng Lâm Đồng.
Chợ Đà Lạt tồn tại một nét đẹp không lời nhuộm màu của lịch sử lẫn cuộc sống đời thường cao quý mà không phải ai cũng nhận biết. Nơi đây mãi là biểu tượng không thể xóa nhòa, không chỉ với những người con Đà Lạt mà còn in sâu vào tâm trí của du khách bốn phương.
Bích Ngọc