Để nhớ về Đà Lạt ngày xưa ấy thì khó mà kể hết thành lời bởi đó là thời điểm của một thành phố nhẹ nhàng, đơn giản, ấm tình người. Đặc biệt nhất là ở phố chè xưa với biết bao kỉ niệm khó phai.
Thập niên 70 - 80, mùa hè của những đứa trẻ phố núi không phải là khoảnh khắc thả hồn với bờ sông hay ruộng đồng, sóng biển… mà thay vào đó là những dịp trốn nhà lội suối, tắm ao hồ quanh thành phố, thả bộ rong chơi trên Đồi Cù với các trò chơi rượt đuổi, lăn lóc. Với một bộ phận khác, mùa hè là dịp tụ tập quanh các rạp chiếu phim để mua bán hàng rong phụ giúp gia đình, vừa là cơ hội tranh thủ vào xem những chương trình phim hay, ca nhạc tổng hợp, cải lương lưu diễn.
Từ rạp 3/4 (Hòa Bình) thẳng vài bước chân là đã xuống tới phố Trương Công Định (tên cũ là Minh Mạng). Chỉ một đoạn đường ngắn vài trăm mét dốc mà đã có sự hiện hữu của gần chục quán chè. Đây là nơi du khách, nhất là các cặp tình nhân, các gia đình, bạn bè thân hữu… thường tụ tập để ăn chè, thưởng thức nhạc hòa tấu mỗi khi rảnh rỗi.
Quán tập trung trên cùng đoạn phố nhỏ nên thả bộ rất tiện (thời ấy Đà Lạt ít xe máy, xe hơi, chuyện thả bộ hóng mát và tâm sự dọc lề phố là một hình ảnh rất tự nhiên). Thực khách có khá nhiều lựa chọn: Chè Anh Võ, chè Mai Hường, chè Thanh Trúc, chè Thạch Thảo, chè Hương Sơn, chè 47, chè Nguyệt Vọng Lầu… Giá cả vừa phải, không có chênh lệch, nhưng mỗi quán lại có món độc đáo riêng để thu hút thực khách.
Nhớ nhất vẫn là chè bánh lọt và yaourt của Hương Sơn; chè trôi nước và chè đậu trắng của 47; chè bột khoai nước dừa và chè đậu xanh đánh đá ở Dạ Thảo; bánh chuối nướng và chè đậu tại Mai Hường; các món xôi Xiêm, bánh đậu xanh nước dừa, chè thập cẩm trên gác Nguyệt Vọng Lầu.
Tập tục xưa giờ ở các hàng quán Đà Lạt đều giống nhau, dù khách quen hay lạ vẫn được phục vụ nhẹ nhàng, chu đáo. Trước khi có món thực khách sẽ được thưởng thức món trà nóng pha gừng, thong thả cắn hạt dưa. Tới khi khách gọi trả tiền thì người phục vụ thường đổi thêm một bình trà nóng khác kèm theo một cái đĩa nhỏ sạch sẽ để khách tự đặt tiền vào đó.
Nhạc trong quán ưu tiên những bài hát nhẹ nhàng, phần lớn là hòa tấu. Trước cửa quán thường có sự hiện diện của lũ trẻ nhà nghèo ngoài giờ học phải đi bán hàng vặt để phụ giúp gia đình. Đôi lúc vì tranh nhau mời mọc nên các ông bà chủ quán phải ra mặt xin lỗi khách, thu xếp cho lũ trẻ phải từ tốn trật tự ở một góc hè ngoài cửa, không được nài nỉ và tranh giành mời mọc để trả lại sự tự do cho khách.
Ấn tượng nhất vẫn là Nguyệt Vọng Lầu kiêu hãnh nằm ở góc phải đường (đoạn nối giữa Tăng Bạt Hổ - Minh Mạng) với kiến trúc Á Đông xưa. Một cầu thang nhỏ dẫn chân khách bước lên lầu được trang trí rực rỡ với đèn lồng đỏ, bàn ghế tinh tươm mang dáng dấp cổ điển, đặc biệt các vật dụng như muỗng, li, tách, đĩa đều rất cổ và đẹp. Nghe nói chủ nhân là một Hoa Kiều, nhưng món ăn của quán lại đậm phong vị của Tây Nam Bộ với nước dừa thơm béo, các món bánh nướng đa dạng và đặc biệt chè thưng, chè thập cẩm rất cuốn hút.
Mặt trước của Nguyệt Vọng Lầu là Hủ tíu Nam Vang nức tiếng một thời trước thập niên 70, giờ cũng trở thành một cái tên nằm trong quên lãng… Đúng như tên gọi của mình, Nguyệt Vọng Lầu là nơi thưởng trăng tuyệt mỹ, với những chiếc đèn trang trí đẹp, góc ngắm hướng ra mặt phố rất thú vị.
Phố Chè lặng dần theo thời gian và mất hẳn vào giữa thập niên 90, giờ đây nó trở thành nơi hoạt động của các công ty chuyên về du lịch phục vụ khách Tây. Chút hoài niệm Phố Chè xưa cũng là để nhớ về một nét đẹp đã bị lãng quên của Đà Lạt, một Đà Lạt với phong cách tao nhã, thanh lịch và cuốn hút theo cách riêng của mình.
Nếu bạn đã quá quen thuộc với hình ảnh hoa phượng tím, chắc hẳn bạn chưa biết đến hoa phượng vàng Đà Lạt – một biểu tượng khác của sự đa dạng và phong phú trong thế giới hoa nơi đây.
Nếu bạn đang tìm kiếm một cách để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp cổ điển pha lẫn nét thơ mộng của Đà Lạt, thì Đoàn tàu Hoàng hậu Đà Lạt – La Reine chính là sự lựa chọn hoàn hảo.