HaDTT4 - 08:29 11/07/2022
Bước vào tháng 7 khi thời tiết khó lường hơn với những cơn dông bất chợt, mưa xuống như trút nước, có thể nhiều người trong chúng ta đã chùn bước khi tính tới việc đi du lịch. Nhưng không đi du lịch thì lấy đâu ra ảnh đẹp mà đăng Facebook đây? Thế thì, sau đây sẽ là những bí kíp chỉnh ảnh tone Đà Lạt cho những thanh niên sống ảo tại gia nhé!
Trước tiên cũng phải nói rằng không có một công thức chỉnh ảnh cố định để ra màu Đà Lạt. Thậm chí, không có một khái niệm cụ thể nào cho tone Đà Lạt cả. Tuy nhiên, qua nhiều bộ ảnh chụp Đà Lạt gắn với dấu ấn của nhiều người chụp theo những cách rất riêng, chúng ta vẫn nhận ra chất ảnh Đà Lạt ngay khi nhìn thấy.
Hôm nay, chúng tôi viết bài này để cho những ai đi Đà Lạt có thể đu trend kéo màu theo các idol của họ, hoặc cả những ai không đi Đà Lạt mà vẫn muốn có những con hình mang đậm phong cách của thành phốngàn hoa lãng mạn này!
Trước tiên, hãy tạm gác lại phần màu sắc, thứ mà hẳn ai cũng quan tâm khi đọc bài viết này. Màu sắc thuộc phần hậu kỳ. Trước đó có phần tiền kỳ (chuẩn bị), và trung kỳ (chụp choẹt) cũng vô cùng quan trọng. Làm sao bạn có thể chỉnh một bức hình thật đẹp nếu chuẩn bị và chụp hình chưa được đẹp, phải không nào?
Vậy, chúng tôi có một vài lưu ý dưới đây để bạn có thể chụp ảnh Đà Lạt thật đẹp nhé!
- Ánh sáng: Chọn nguồn sáng không quá yếu, hay quá gắt. Nên chụp vào khoảng giờ vàng (bình minh, hoàng hôn), hoặc những khi trời râm. Nếu trời gắt, hãy chụp trong bóng râm.
- Nội dung: Bạn chụp gì? Check-in Đà Lạt ở đâu? là 2 câu hỏi cần được trả lời trong ảnh, tránh tình trạng người đẹp, nhưng cảnh thì chẳng biết chụp gì, chụp ở đâu.
- Bố cục cơ bản: Chú ý bố cục vừa vặn, không thừa không thiếu, không bị cắt xém ở viền khuôn hình.. Để làm được điều này, nhất định phải bắt đầu học bố cục 1/3, bố cục cân bằng, và cân bằng thị giác (Bố cục cân bằng khác cân bằng thị giác).
Để phân tích tone màu Đà Lạt, chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ như sau, một bạn đi kiếm những bức hình mà bạn ấy thấy Đà Lạt nhất, và một bạn khác, chuyên về nhiếp ảnh và chỉnh sửa ảnh, phân tích ảnh và tạo công thức chỉnh màu Đà Lạt dựa vào những bức hình đó.
Chúng tôi nhận thấy, Lightroom là một công cụ phổ biến, cho chất lượng ảnh cao nên sẽ dựa vào đó mà chia sẻ công thức chỉnh màu Đà Lạt. Các bạn cũng có thể tham khảo các chỉ số để chỉnh ảnh bằng các app khác trên điện thoại sao cho phù hợp.
Trong bộ ảnh đầu tiên chúng tôi kiếm được, một đôi tình nhân đang trao cho nhau ánh nhìn trìu mến tại "góc Paris giữa lòng Đà Lạt", địa điểm check-in đang hot trên các mạng xã hội. Có thể nói, bức ảnh đáp ứng mọi tiêu chí được tôi nhắc đến phía trên khi hình được chụp vào khoảng cuối ngày, với nội dung về con người, địa điểm đủ, và bố cục lại vô cùng vừa vặn và cân bằng.
Về màu sắc, bức hình mang hơi hướng hoài niệm, đậm chất Đà Lạt.
Để có cái chất buồn hoài niệm, chúng ta cần giảm tương phản (contrast) đôi chút bằng cách kéo highlight xuống, và đẩy shadow lên. Làm vậy chúng ta cũng đồng thời giúp bầu trời và mây thêm đậm màu hơn.
(Highlights: -60; Shadows: +30)
Tiếp đến, chúng ta cần đẩy màu vàng lên hơn một chút để mang chất film vào ảnh hơn nữa. Nên hãy kéo Saturation của Yellow và Orange lên cao hơn một xíu nhé!
(Saturation: Orange: +15; Yellow: +15)
Đã muốn hoài cổ, đã muốn giống Đà Lạt film thì phải có nhiễu hạt (grain), vậy hãy kéo grain vừa đủ để không quá lố hay quá nhẹ đến nỗi chẳng nhận ra nhé!
(Grain: Amount: 20; Size: 25; Roughness: 25)
Tiếp đến, hãy kéo phần độ sáng màu (luminance) ở shadow lên một chút, nó giúp giảm tương phản ảnh, khiến nó nhạt màu, cũ cũ hơn một xíu, lại cũng giúp nhiều hạt trở nên rõ ràng hơn. Bạn làm điều này ở công cụ Curves.
(Point Curves: Input 75; Output: 80)
Ngày xưa, khi nhiếp ảnh film phổ biến, có một điều mà dân chụp chuyên nghiệp ghét cay ghét đắng là ảnh bị tối góc. Đó là do chất lượng thấu kính của chiếc ống họ dùng chưa tốt, dẫn đến hiện tượng trên.
Nay chất lượng thấu kính trên máy ảnh và điện thoại đều tốt đến độ loại bỏ được vấn đề này. Nhưng đối với những người hoài cổ thì có thêm hiệu ứng ấy mới là hay. Vậy thì, hãy làm tối viền bằng cách kéo Vignette sang trái 1 xíu nhé!
(Vignetting: Amount: -35; Midpoint: 25)
Tén ten, vậy là chúng ta đã có công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom Số 1:
*Lưu ý: kéo Exposure tương ứng để màu không quá sáng đối với từng ảnh.
>>> Gợi ý: Những con đường đẹp ở Đà Lạt đã đến là không muốn về
Hoàng hôn từ một nơi trống trải nhìn ra là một trải nghiệm tuyệt vời! Bởi mọi thứ auto đẹp. Không cần chỉnh gì cũng vẫn đẹp.
Tuy nhiên, để mọi thứ thơ mộng hơn nữa, thì những mẹo chỉnh ảnh Đà Lạt đẹp dưới đây là không nên bỏ qua đâu nhé!
Cũng xin phép được nhắc lại rằng bức hình phía trên đã đáp ứng đủ 3 yếu tố có nhắc tới phía trên nên chúng tôi sẽ không bàn nhiều nữa.
Ở bức ảnh này, bắt buộc chúng ta phải sử dụng chiêu giảm tương phản như ở công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom phía trên. Ta kéo Shadow lên để phần chủ thể người, xe đạp được sáng lên và kéo highlight thấp xuống để bầu trời tối lại và đậm màu hơn.
(Highlights: -40; Shadows: +30)
Nếu các bạn để ý, sẽ thấy phần cô gái và chiếc ghế gỗ có màu vàng cam rất nổi bật. Đó là bởi màu vàng và cam đã được đẩy lên đôi chút. Lưu ý, 2 màu này sẽ khiến da mặt bị vàng bánh mật, như người ốm, do vậy, nên hạn chế kéo mạnh tay khi chụp chân dung. Còn trong hình này thì hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi nó cũng tôn màu gỗ lên hơn.
(Saturation: Orange: +25; Yellow: +15)
Để màu trời thêm phần thơ mộng vào hoàng hôn, bạn có thể đẩy saturation của màu xanh và đỏ lên đôi chút, đồng thời kéo Vibrance lên để màu sắc sinh động hơn.
(Red: +20; Blue:+20)
Vậy chốt lại công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom Số 2:
Đà Lạt có nhiều góc nhìn như ở trời Âu vậy. Vậy thì hãy cũng học cách chỉnh màu Châu Âu Lightroom nhé!
Bức hình phía trên tuy chụp vào khi trời nắng gắt nhưng may mắn bạn gái đã chụp khi một phần thân ở trong bóng râm, thì nắng sẽ bớt gắt làm bạn gái nheo mắt hoặc tối mắt.
Bàn về màu Châu Âu, chúng ta luôn nghĩ tới những mảng màu tươi sáng. Vậy hãy tiếp tục giảm Highlight, tăng Shadow để nhìn rõ mọi phần trong ảnh. Đồng thời hãy kéo Exposure của ảnh lên đôi chút để sáng hơn nữa.
(Highlights: -40; Shadow: +40; Exposure: +0.70)
Thêm nữa, hãy đẩy Saturation và Vibrance lên một chút xíu để màu tươi hơn.
(Vibrance: +15; Saturation: +5)
Tổng hợp lại dưới đây là Công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom Số 3:
>>> Gợi ý: 38 địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở Đà Lạt như bước ra từ truyện cổ tích
Phía trên là tươi sáng đậm màu. Vậy còn những người cũng thích sáng nhưng không thích đậm màu thì sao?
Giống như công thức số 4, ta giảm tương phản, kéo exposure lên. Nhưng hãy kéo Saturation và Vibrance xuống. Như vậy màu sẽ nhạt đi, và đem đến cảm giác da trắng hơn, nhưng yếu hơn.
(Exposure: +0.70; Highlights: -40; Shadows: +40; Saturation: -35)
Làm như vậy, ảnh của bạn có đôi phần giống với một bức ảnh chụp trên film outdate (hết hạn). Vậy hãy thêm một chút nhiễu hạt (grain) nêú bạn muốn hoài cổ nhé!
Công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom Số 4:
Bức ảnh dưới đây là một bức ảnh tôi khá thích về thần thái, bố cục với nhân vật chính ở hút ở trung tâm, nhân vật bên trái có thần thái, còn nhân vật bên phải dường như là một ai đó tình cờ đi qua (có điều, nếu chụp anh này di chuyển sớm hơn thì ảnh sẽ đẹp hơn về khoảnh khắc và bố cục), và quan trọng nhất là cho ta thấy đó là chợ Đà Lạt.
Về màu sắc, bức ảnh cho cảm giác rất lạ lẫm, mang chất riêng, vừa hơi hướng tương lai, lại vừa hoài cổ. Tương lai ở chỗ, ảnh cho phần highlight ám màu aqua, một màu cho cảm giác futuristic. Hoài cổ ở chỗ, ảnh đẩy màu da thêm phần cam và đỏ, khá giống tính chất của một số loại film nhựa nhờ tăng saturation ở màu đỏ, đồng thời kéo Hue sang màu cam nhiều hơn.
(Curves Red Channel: 60/65; Curves Blue Channel: 215/230)
(Hue Red: +20; Hue Orange: +30; Hue Aqua: +50; Hue Blue: -30; Saturation Red: +15; Saturation Orange: +60; Saturation Aqua: +30)
Bức này có đã giảm tương phản bằng việc đẩy shadow lên, như vậy, nhân vật ở phần tối sẽ trở nên sáng hơn.
(Shadows: +30)
Công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom số 5:
Nhắc đến thành phố buồn, nhiều người nghĩ ngay tới màu xanh chất film rất gây thương nhớ, vậy dưới đây là công thức để khi chụp thiên nhiên, cây cối Đà Lạt, bạn chỉnh ảnh tone Đà Lạt quen thuộc này.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy chất film bằng cách giảm tương phản, giảm highlight, tăng shadow. Làm thế, khi chụp bầu trời, màu sẽ xanh hơn như hình bạn thấy phía dưới.
(Highlights: -40; Shadows: +30)
Tiếp theo, là đến phần xử lý màu, bạn hãy giảm saturation của màu xanh lá cây xuống một chút, đồng thời giảm Luminance của màu này xuống để nó trông đậm hơn, cũ hơn.
(Hue Green: +40; Saturation Green: -60; Luminance Green: -50)
Cuối cùng, hãy thêm nhiều hạt (grain) cho hình để nó hoài cổ hơn nhé!
Công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom số 6:
Vậy là bạn cũng có thể thấy để chỉnh ảnh tone Đà Lạt không khó phải không nào? Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có một cảm nhận màu khác nhau về Đà Lạt, nhưng trên đây là những tổng hợp từ một vài ảnh và công thức chỉnh màu Đà Lạt Lightroom để bạn tham khảo và thử nghiệm.
Hãy luôn nhớ, để có hình đẹp, trước tiên luôn là phần chuẩn bị về bối cảnh, ánh sáng, và bố cục. Sau đó mới là phần hầu kỳ chỉnh ảnh Đà Lạt đẹp hơn nữa.
Chúc các bạn thành công và tự khám phá công thức mới cho mình!
Tư vấn chuyên môn: William D. Nguyễn
>>> Xem thêm: Top 8 quán cafe đẹp ở Đà Lạt về đêm ngắm cảnh cực chill