Bích Ngọc - 16:08 05/10/2021
Nhà thờ Con Gà có nhiều tên gọi khác nhau. Bao gồm: Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, nhà thờ Thánh Nicola Bari... Lịch sử hình thành của nhà thờ được cho là gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố.
Vào năm 1920, linh mục Frédéric Sidot - cha xứ đầu tiên của giáo sở Đà Lạt - đã cho xây dựng thánh đường "HIC DOMUS EST DEI" ("Nhà thờ của Thiên Chúa").
Sau đó, vào năm 1922, công trình này đã được mở rộng, xây dựng thêm một nhà thờ mới. Khánh thành vào năm 1923 để thay thế cho nhà thờ năm 1920. Trên tháp có treo 4 quả chuông do Pháp chế tạo. Vị trí nhà thờ hiện nay nằm khuôn viên trường THCS Quang Trung, phía sau nhà thờ Con Gà hiện tại.
Đến ngày 19/7/1931, nhà thờ Con Gà (nhà thờ Chính tòa ngày nay) do Giám mục Colomban Dreyer đặt viên đá đầu tiên. Công trình được xây dựng suốt 11 năm. Bao gồm: xây dựng gian cung thánh, 2 gian giữa và đặt chân móng cho các tháp chuông. Đến năm 1934 thì xây dựng tháp chuông chính - phụ và cầu thang xoắn ốc.
Phía trên đỉnh tháp có gắn con gà bằng đồng, dài 0,66m, cao 0.58m. Vào ngày 25/1/1942, nhà thờ đã chính thức khánh thành.
Hiện nay, nhà thờ Con Gà là địa điểm tham quan yêu thích của đông đảo du khách. Trở thành một trong những điểm đến không nên bỏ lỡ khi ghé thăm thành phố Đà Lạt.
Không chỉ là một địa điểm tôn giáo, nhà thờ còn nằm trong tổng thể kiến trúc ấn tượng, là biểu tượng gắn liền với thành phố. Dù ở góc độ nào, Đà Lạt cũng đẹp, cũng lãng mạn. Nhưng hình ảnh nhà thờ nổi bật với tháp chuông độc đáo vẫn luôn ghi dấu trong tiềm thức của mỗi du khách khi đến với phố núi.
Bích Ngọc