Bích Ngọc - 11:28 25/03/2021
Bà N.T.P, người sống trong khuôn viên biệt thự, kể năm 1992, khi chồng bà là ông B.N.G bị bệnh tâm thần, trong một đêm ông mơ thấy giấc mơ lạ và bật dậy mang cuốc đến rãnh nước thải trong khuôn viên hì hục đào, bới. Ai cũng nghĩ ông mắc bệnh, nhưng khi đào sâu khoảng nửa mét thì phát hiện 2 bức tượng không còn nguyên vẹn bị chôn vùi lâu ngày trong bùn đất.
Sau đó, gia đình bà P. đã thỉnh hai bức tượng này về một góc vườn để lập miếu thờ. Kỳ lạ thay, sau đó ông G. hết bệnh. Hai bức tượng do ông G. tìm thấy có hình dáng tương tự bức phù điêu cô gái Chăm được đắp nổi gần cửa chính biệt thự Phi Ánh.
Giới nghiên cứu kiến trúc thắc mắc trong một biệt thự “Tây” như thế tại sao lại có những họa tiết, phù điêu mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông như hoa sen, cô gái Chăm, đầu chim... Phải chăng chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự là người am hiểu và đam mê văn hóa phương Đông hay sau khi Phi Ánh đến tiếp quản biệt thự mới được làm thêm?
Kiến trúc sư Nguyễn Phú Thắng, Phó khoa Kiến trúc Trường ĐH Yersin (Đà Lạt), cho rằng ngôi biệt thự Phi Ánh đặc biệt hơn hàng ngàn biệt thự Pháp được xây dựng tại Đà Lạt vì kiến trúc bên ngoài hoàn toàn bằng đá và sự kết nối hài hòa của hai khối biệt thự.
Với những bức phù điêu Chăm, ông Thắng lý giải có thể là do sở thích của chủ nhân biệt thự trước khi Phi Ánh vào ở. Khi xây dựng tòa nhà, họ tìm mua các bức phù điêu thiếu nữ Chăm để trang trí. Thực tế ở Đà Lạt có nhiều biệt thự kiến trúc Pháp nhưng sân vườn lại mang đậm dấu ấn Á Đông, cũng do sở thích của chủ nhân các biệt thự.
Những năm gần đây, biệt thự Phi Ánh là điểm đến thú vị cho nhiều du khách, vì ngoài nét kiến trúc độc đáo, nơi đây còn có những bí ẩn chưa được lý giải. Trong ngôi biệt thự đá này còn dành khoảng không gian trưng bày chân dung Phi Ánh và chân dung cựu hoàng Bảo Đại thời trai trẻ để du khách chiêm ngắm.
Bích Ngọc
Theo Thanh Niên