Trân Bùi - 15:04 25/05/2021
Tọa lạc trên cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt trước đây vốn là nơi cư trú của người Lạch, người Chil, người Srê thuộc dân tộc K’Ho. Vào năm 1983, bác sĩ Alexandre Yersin đã khám phá ra nơi này và nhận thấy đây là một nơi thích hợp với việc nghỉ dưỡng. Từ một nơi hoang vu, người Pháp đã xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với trường học, biệt thự, công sở, khách sạn. Trải qua nhiều thăng trầm, cho đến nay, Đà Lạt đã trở thành một trong những nơi nghỉ dưỡng được nhiều người yêu thích nhất.
Một thời đã qua với nhiều dấu ấn lịch sử, hãy cùng ngắm nhìn những hình ảnh của Đà Lạt trước thời 4.0 để có thể hiểu thêm về một thời hoàng kim của thành phố này.
Đà Lạt trước đây được biết đến như một mảnh đất yên bình, ít xe cộ, tách biệt với những ồn ào nơi phố thị. Những con đường cũ kĩ, giản dị mà nhuốm màu thời gian. Ngày đó, Đà Lạt ít nhà cao tầng, chủ yếu là những mái nhà nhỏ xinh, ẩn mình giữa những hàng cây. Xung quanh đâu đâu cũng thấy cây xanh, đồi thông xào xạc. Những năm tháng ấy, Đà Lạt thật sự an yên, đậm chất Việt.
Trước kia, phương tiện đi lại chủ yếu tại Đà Lạt những năm 1975 là: xe ngựa, xe đạp. Sang hơn thì là những chiếc xe lam, xe ô tô đầu tròn. Thời nay, vẫn có một số bảo tàng và địa điểm du lịch lưu giữ hình ảnh, hiện vật liên quan đến loại xe này. Bên cạnh đó, các bà, các mẹ thường chủ yếu đi bộ..
Uống cà phê là một nét văn hóa đặc trưng của Đà Lạt. Người Đà Lạt uống cà phê vào mọi thời điểm trong ngày: khi sáng sớm, lúc xế chiều hay cả những buổi tối. Phong cách bình dị, đời thường, chẳng biển hiệu phô trương, chỉ đơn giản là dăm ba chiếc bàn nhỏ,... như vậy cũng đủ để gợi về một Đà Lạt xưa cũ. Cà phê Đà Lạt chủ yếu pha bằng phin, bằng vợt chứ không pha máy hiện đại. Mỗi ly cà phê như chất chứa tâm tư, tình cảm của chủ quán. Ngày này, Đà Lạt vẫn còn một số quán cà phê muôn năm cũ như: cà phê Tùng, cà phê ông Trường, cà phê bà Năm,...
Ngôi chợ đầu tiên mang tên “Chợ Cây” được xây dựng từ năm 1929 tại khu Hòa Bình hiện nay. Đến năm 1958, chợ chính thức được khởi công xây dựng trên vùng đất sình lầy trồng xà lách xoong và hoàn thành vào năm 1960. Chợ gồm có 3 tầng và là một trong những chợ lầu đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, chợ được xây bổ sung thêm các chợ lầu khác xung quanh. Nhưng hình ảnh về ngôi chợ đậm chất Việt thời xưa thì những người dân địa phương chẳng thể nào quên được
Những gánh hàng rong có lẽ là hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam. Đó là nét đẹp lao động và cũng là dấu ấn khó quên đối với người dân Đà Lạt. Hình ảnh những cô hàng rong mặc áo dài nâu, quần đen hoặc trắng dường như đã quá quen thuộc dù mưa hay nắng.
Trước khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đà Lạt mang một nét gần gũi, thân thuộc. Theo thời gian, Đà Lạt “khoác” lên mình chiếc áo mới, ngày càng phát triển, hiện đại hơn. Một số giá trị cũ đã biến mất nhưng đồng thời, nhiều giá trị tốt đẹp cũng xuất hiện. Nhưng dù là xưa hay nay, Đà Lạt vẫn là một thành phố mộng mơ, lãng mạn, làm xiêu lòng bất cứ du khách nào ghé thăm.
Bảo Trân