Trân Bùi - 16:17 22/07/2020
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu trên cơ sở các quy định của pháp luật, quy hoạch vùng, kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để xác định vùng không xây dựng nhà kính, nhà lưới, vùng hạn chế, vùng chỉnh trang đô thị; lộ trình thực hiện; khuyến khích trồng cây xanh trên đất dốc, cây xanh cách ly giữa các nhà kính.
Đề án được đưa ra nhằm mục tiêu giảm thiểu diện tích sản xuất nông nghiệp bằng nhà kính, nhà lưới không đủ chuẩn; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nhà kính phù hợp với phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất; không tạo giấy phép con, gây khó khăn cho sản xuất của người dân.
Tính đến hiện nay, diện tích nhà kính trên toàn tỉnh tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2010 chỉ 1.170 ha thì đến nay đã là 4.025 ha và chủ yếu để sử dụng canh tác rau, hoa. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhà kính cũng gây ra những hệ lụy nhất định đối với cảnh quan, môi trường. Một số loại cây trồng không nhất thiết phải trồng trong nhà kính nhưng người dân vẫn trồng. Hơn nữa, những nơi có độ dốc cao, người dân vẫn tận dụng san ủi để làm nhà kính dẫn đến việc phát triển nhà kính một cách tự phát với tốc độ nhanh, mật độ cao, thiếu đồng bộ đã làm giảm phòng hộ đầu nguồn của các thảm cỏ, cây xanh và phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị, đặc biệt là khu vực nội ô TP.Đà Lạt.
Có thể nhận thấy rằng với mật độ nhà kính quá cao, ngoài việc phá vỡ cảnh quan còn làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm. Thời gian vừa qua, tại Đà Lạt đã xuất hiện những dòng chảy lớn khi trời mưa gây ra lũ quét, ngập cục bộ, bồi lắng các ao, hồ và lòng suối. Hy vọng rằng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, lượng nhà kính trên địa bàn tỉnh sẽ được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu những tác hại không đáng có cho môi trường và đời sống người dân.
Bảo Trân