Bích Ngọc - 15:55 18/06/2021
Nếu tính từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) dọc theo Quốc lộ 27 hướng về Đà Lạt khoảng 40km là cầu sắt Tân Mỹ có tuyến đường sắt đi qua. Cầu sắt Tân Mỹ được người dân trong vùng quen gọi là cầu Đen, cầu độc nhất bắc qua sông Cái làm lối đi chung cho cả đường sắt lẫn đường bộ. Đến năm 1972, cây cầu Tân Mỹ như hiện nay mới được xây dựng chạy song song với cầu Đen và được gọi là cầu Trắng.
Thời điểm đó, vì là tuyến đường độc đạo nên đường sắt khá nhộn nhịp. Tiếng bánh sắt của đoàn tàu qua cầu nghe ầm ầm như thác nước đổ. Đó là những toa tàu chở muối, mắm, tôm cá và rau, củ quả nông sản của 2 vùng miền ngược xuôi…
Sau khi ngưng tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm, cùng thời gian đó ở Thụy Sĩ, đoạn đường sắt răng cưa leo núi Furka cũng bị ngưng sử dụng do đầu máy hơi nước bị hỏng không phục hồi được. Phía Thụy Sĩ cử người sang Việt Nam tìm hiểu, đàm phán và năm 1990, phía bạn đã mua được các đầu máy chạy bằng hơi nước, những bộ sườn, toa tàu và một số thiết bị... để vận chuyển về Thụy Sĩ và tiến hành tu sửa. Đến năm 1993, Thụy Sĩ đưa đầu máy chạy bằng hơi nước vào khai thác, đưa du khách rong chơi và vượt dãy Alpes dài 25km cho đến hôm nay.
Cầu Đen bắc qua sông Cái dài khoảng dài khoảng 300m với 10 nhịp vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu. Xuyên qua đám cây bụi đầy gai nhọn phía đầu cầu là những nét cổ kính và nhuốm màu thời gian của một trong những công trình đường sắt cổ này. Tuy nhiên, một số điểm trên cầu đã có dấu hiệu gỉ sét.
Hoài niệm về chuyến tàu xưa, lúc ấy cuộc sống người dân rất khó khăn, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng sắn, khoai nên việc vận chuyển mặt hàng này phụ thuộc vào tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tại chân đèo Ngoạn Mục, men theo tuyến đường bê tông nhỏ xuyên qua các vườn trái cây trĩu quả của thôn Gòn, xã Lâm Sơn thì thấy vẫn còn 3 tòa nhà chắc chắn. Thoạt nhìn, 2 đề pô tại ga Sông Pha vẫn còn khá nguyên vẹn, chắc chắn dù đã nhuốn màu rêu phong của thời gian.
Một trong hai đề pô hiện tại đã được người dân tận dụng để phục vụ sinh hoạt và làm nông nghiệp. Riêng, khu nhà ở cho nhân viên phía sau gồm 6 căn dù đã xuống cấp rất nhiều nhưng các phần khung mái bằng gỗ vẫn còn khá chắc chắn…
Khi tàu còn chạy, hành khách đều háo hức mong tới ga Cà Bơ để ngắm cảnh rừng thông trữ tình và lãng mạn nhất khi trời mù sương hoặc ánh hoàng hôn xuống…
Nếu đi bộ (có một đoạn đi xe gắn máy) từ ga Sông Pha lên ga Đà Lạt theo tuyến đường sắt răng cưa, du khách phải qua 5 hầm chui với thời gian 2 ngày 1 đêm. Khó đi nhất là hầm số 1 (phía Sông Pha) riêng hầm số 3 dài khoảng 300m chưa đi được vì sình, bùn đã vùi sâu...
Cách đây vài năm, Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương khôi phục lại tuyến đường sắt này trên cơ sở các thông số của tuyến đường sắt cũ với tổng vốn dự kiến khoảng… 5.000 - 7.000 tỷ đồng, nhưng đã không thực hiện được.
"Dẫu chỉ còn là phế tích, nhưng nó vẫn mang một vẻ đẹp độc đáo gợi bao niềm tiếc nhớ. Giờ đây, trên cung đường này đã để lại cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị, nhất là đoạn đường vượt đèo Ngoạn Mục hùng vỹ..."
Theo Danviet.vn