Huyền Nguyễn - 22:12 05/05/2020
Sau một vài cơn mưa đầu mùa, khoảng thời gian từ tháng 6 cho đến tháng 8 là lúc dưới tán thông mọc lên các loại nấm. Người người vào rừng tìm nấm vui như trẩy hội...
Từ khoảng tháng 6, Đà Lạt bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa dầm dề, kéo dài từ tuần này qua tuần khác. Để rồi khi ánh nắng bất chợt xuất hiện, trên những rừng thông ngoại ô Đà Lạt, người dân lại rủ nhau vào rừng tìm nấm. "Chúng tôi thường gọi các loại nấm "lành" là lộc rừng mà tự nhiên ban phát cho con người nơi đây" - anh Nguyễn Định, một người dân Đà Lạt chia sẻ.
Theo chân những người dân địa phương, chúng tôi đến khu vực rừng thông phía sau Trường tiểu học phân hiệu Xuân Sơn. Từ ngay bên vệ đường đã phát hiện những đám nấm mới nhú, ẩn hiện dưới lớp lá thông. Để tránh trơn trượt, chúng tôi phải sử dụng ủng gai. Đồng thời, lắng nghe những lời dặn dò của mọi người. "Không phải loại nấm nào cũng ăn được. Một số loại nấm thường và nấm độc có hình dáng, bề ngoài và màu sắc giống nhau. Nếu không phải là người có kinh nghiệm thì rất có thể hái nhầm. Ngoài ra, mỗi loại nấm lại mọc ở một khu vực riêng, ít khi mọc chung với nhau và cũng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn."
Băng qua rừng thông là đến khu vực hái nấm. Dễ tìm thấy nhất là loại nấm kaki tím, thường mọc thành cụm từ 3 đến 5 cái. Độ to, nhỏ khác nhau. Điểm nhận diện là có màu tím ửng hồng, thân mập và chắc.
Ngoài ra, một loại khác cũng khá dễ tìm là nấm gan bò. Một cây nấm gan bò phát triển có thể to bằng nắm tay người lớn. Nấm có màu vàng nhạt, trên chóp nổi gân sần sùi.
Loại nấm hiếm gặp nhất là nấm hột gà. Chân nấm được bao bọc bởi một lớp màng trắng, tựa như vỏ trứng. Còn nấm trong như một cái trứng non, vàng tươi.
Hái nấm không nhất thiết phải đi vào rừng sâu. Ngay cả những đồi thông cận kề khu dân cư cũng có thể tìm thấy khá nhiều. Với người dân địa phương, thường xuyên đi hái có thể kiếm được 2kg - 10kg/ ngày. Còn với các du khách, chỉ cần dành vài tiếng tìm kiếm thì việc có nấm đem về thưởng thức cũng chẳng phải là điều xa lạ.
Nấm thông sau khi hái về, được đem rửa sạch. Sau đó có thể bảo quản theo 2 cách. Một là đóng bịch, cất tủ lạnh. Hai là chẻ nhỏ rồi phơi khô. Khi ăn có thể chế biến thành nhiều món như: xào, nấu canh, nấy cháo... Hương vị nấm rừng vừa thơm ngon, bổ dưỡng lại có giá trị dinh dưỡng cao.
Huyền Nguyễn