Trân Bùi - 17:32 16/04/2021
Trong số những công trình kiến trúc kiên cố ấy, phải kể đến những tòa dinh thự cổ có lối kiến trúc vô cùng đặc biệt được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Nơi đây nhằm phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng, làm việc của các quan chức. Giờ đây, chúng đã trở thành các điểm tham quan được yêu thích mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến Đà Lạt.
Dinh được nhà triệu phú người Pháp tên là Robert Clément Bourgery, chủ nhà đèn Thượng Hải xây cất từ những năm trước 1940. Sau đó, Bourgery bán lại cho một người Pháp và được vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn mua lại để làm Văn phòng trong thời kỳ làm Quốc trưởng sống ở Đà Lạt. Dinh I trở thành nơi sinh sống và làm việc của các nguyên thủ quốc gia vào thời Việt Nam Cộng Hòa nên có tên gọi là Dinh Tổng thống.
Tọa lạc trên một ngọn đồi cao 1550m có rừng thông bao quanh, toàn bộ diện tích khu vực Dinh Tổng thống là 60 ha. Với lối kiến trúc được thiết kế theo vùng Savoie, Pháp, công trình mang dáng dấp sang trọng như một lâu đài thu nhỏ. Toàn bộ tòa nhà được bao phủ bởi khuôn viên cây xanh đẹp hài hòa với các công trình phụ khác như: nhà bồi, hầm rượu và hồ nước,... để tổ chức tiệc tùng, vui chơi. Dinh Tổng thống còn có tầng hầm rất rộng và nhiều lối thoát hiểm cùng với đường hầm thông ra ngoài một khoảng sân - nơi máy bay trực thăng đậu.
Địa chỉ: Trần Quang Diệu, phường 10, Đà Lạt.
Tọa lạc trên một ngọn đồi thông cao 1540m so với mực nước biển, công trình được các kiến trúc sư người Pháp là A.Léonard, P.Veyssere và A.T.Kruze thiết kế, được xây dựng năm 1933 và hoàn tất năm 1937. Dinh nằm trên đường Trần Hưng Đạo, con đường nổi tiếng của thành phố Đà Lạt với rất nhiều tòa biệt thự cổ đẹp mang đậm nét kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Dinh II được dùng làm nơi ở và làm việc của Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux vào mùa hè hằng năm, nên còn gọi là Dinh Toàn quyền.
Kiến trúc của Dinh là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Với mục đích vừa là nơi ở, làm việc vừa là nơi tiếp khách, có tới 25 phòng sang trọng. Các phòng lớn ở tầng trệt được bố trí quanh một đại sảnh và tạo thành tổng thể rộng với không gian thoáng đãng sang trọng, đồng thời cũng giữ lại bầu không khí ấm cúng bên trong của tòa nhà. Ngoài ra còn có một đường hầm ở tầng nền để chủ nhân có thể thoát ra ngoài khuôn viên của tòa nhà khi trường hợp khẩn cấp.
Địa chỉ: 12 Trần Hưng Đạo, phường 3, Đà Lạt.
Dinh nằm trên một ngọn đồi cao thuộc khu rừng Ái Ân, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây Nam. Dinh được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh.
Theo ý tưởng của ông, đây phải là “một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại, độc đáo (không giống với bất kỳ biệt thự nào trước đó) hài hòa với không gian kiến trúc, tương xứng với vị thế của chủ nhân, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Á - Âu, Việt - Pháp, phù hợp với khí hậu nơi đây, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hòa đồng với cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, chim muông, không khí ngát hương của mùa xuân và mùa thu; nội thất tiện nghi, lộng lẫy, sang trọng mà không cầu kỳ, nghiêm cẩn mà ấm cúng”.
Tòa nhà gồm có hai tầng, mang dáng dấp kiến trúc dinh thự kiểu châu Âu. Toàn bộ tòa nhà từ ngoài vào trong đều được quét ve màu vàng rất trang nhã và tuy có sự hiện đại, thông thoáng của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét không gian thuần Việt. Dinh còn thu hút nhiều du khách bởi nơi đây chứa đựng nhiều cổ vật cung đình Huế cùng hầm rượu chìm dưới đất. Ngoài ra, Dinh còn chứa những sản vật mà Bảo Đại săn bắt được.
Địa chỉ: 01 Triệu Việt Vương, phường 4, Đà Lạt.
Trước đây, dinh thự cổ này được dùng làm nơi làm việc và sinh sống của thị trưởng kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức tại Đà Lạt nên được gọi là dinh tỉnh trưởng. Tọa lạc trên một ngọn đồi có khuôn viên rộng thoáng cao hơn 1500m so với mực nước biển, dinh tỉnh trưởng là một khối kiến trúc hình vuông được bao quanh bởi rất nhiều cây cổ thụ. Nơi này cũng được nhiều chuyên gia trong giới nghiên cứu về kiến trúc và phong thủy đánh giá là “cao điểm long mạch”, nằm ở vị trí đắc địa có tầm nhìn rộng về các hướng xung quanh, đặc biệt là hồ Xuân Hương.
Dinh thự mang lối kiến trúc cổ điển của các tòa dinh thự châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX này được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp vào khoảng trước năm 1910, được xem là một trong những công trình kiến trúc lâu năm nhất và cũng đẹp bậc nhất tại thành phố sương mù. Tổng thể dinh thự là một khối hình vuông có hai tầng phía trên và một trệt dùng làm hầm để rượu. Phía sau có hai dãy nhà trước đây là nơi ở cho người giúp việc và người hầu. Cạnh các nhà phụ là hai hồ chứa nước lọc được cung cấp cho vùng trung tâm Đà Lạt.
Sau này, khu dinh thự được dùng làm bảo tàng trưng bày những hình ảnh cổ xưa cùng với những kỷ vật văn hóa của người Đà Lạt.
Địa chỉ: Cuối đường Lý Tự Trọng, phường 1, Đà Lạt.
Trải qua nhiều thập niên cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, 4 tòa dinh thự này ngày nay vẫn còn giữ nguyên được hình dáng kiến trúc với vẻ đẹp cổ kính đặc trưng của Pháp. Đà Lạt cũng vì thế mà được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Đây là những công trình kiến trúc nổi bật mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp ghé thăm thành phố ngàn hoa.
Bảo Trân