Những ngày Đà lạt vào thu, du khách đến đây không chỉ để "săn" các loài hoa mà còn để tự tay chọn cho mình những quả hồng treo thật ngon để làm quà. Món đặc sản này ngọt lịm này luôn làm nức lòng du khách gần xa.
Những vườn hồng Đà Lạt có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với du khách yêu mến xứ sở ngàn hoa. Những năm gần đây, hoạt động tham quan và chụp ảnh tại các vườn hồng bỗng dưng nở rộ. Hầu hết các du khách đến với Đà Lạt vào mùa thu nhất định phải tìm cho mình một vườn hồng xinh đẹp để ghé đến.
Ít ai biết rằng từ thời xưa, hầu như nhà nào ở Đà Lạt cũng có cây hồng. Ít thì chỉ vài ba cây, nhà nào nhiều thì có cả một khu vườn bạt ngàn đi đến độ mỏi chân vẫn chưa hết. Người dân không bỏ công để chăm sóc, ấy vậy mà cứ đến độ trời thu, những quả hồng cứ thi nhau nở rộ, vàng rực cả một góc trời.
Một số vườn hồng nổi tiếng dành cho khác du lịch đến tham quan
Cầu Đất Garden - Thôn Trường Thọ, Xã Trạm Hành, Tp.Đà Lạt
Vườn hồng nhà Tom - Quốc Lộ 20, Xuân Trường, Đà Lạt
Mộc Trà farm - 73/4 Trường An, Xuân Trường, Đà Lạt
Vườn hồng đèo Mimosa
Vườn hồng Thái Long - Khe Sanh, Đà Lạt
Hồng treo gió Đà Lạt
Khái niệm "hồng treo gió" xuất hiện tại Đà Lạt cách đây khoảng gần 10 năm. Khi ấy, các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã mang phương pháp sản xuất hồng treo gió truyền thống của Nhật Bản đến hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân tại Đà Lạt. Phương pháp này chỉ dùng nắng và gió tự nhiên thay cho than đá, than củi để sấy hồng.
Để làm ra những quả hồng treo gió bắt mắt này phải tốn rất nhiều công sức và trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên đó là bước chọn hồng. Những trái hồng phải đạt đến độ chín nhất định, trái to, cứng, vỏ ngả màu vàng cam và không có vết côn trùng cắn hay bị dập. Đặc biệt, hồng phải còn một đoạn cuống để dễ treo. Theo kinh nghiệm, loại hồng trứng và hồng vuông Đơn Dương từ Đà Lạt vẫn là tuyệt vời nhất.
Sau công đoạn chọn hồng thì phải đem đi rửa thật kỹ rồi gọt vỏ (gọt sạch nhưng chừa lại tai hồng để buộc dây), rồi cột chúng vào 1 sợi dây để treo lên. Khi treo cần phải đặt chúng so le để những quả hồng không bị chạm vào nhau. Hồng được sấy nhiệt bằng than củi trong một thời gian rất ngắn để lớp thịt quả bên ngoài săn lại. Công đoạn phơi nắng và sấy gió kéo dài gần 25 ngày, trái hồng tiếp tục chín trong điều kiện vệ sinh cao. Vì vậy, nhiều xưởng sản xuất hồng treo gió không nhận du khách đến tham quan.
Sau đó, hồng sẽ có độ mềm hơn và chuyển dần sang màu cam đậm, có sắc nâu. Người làm hồng sẽ phải “mát-xa” cho hồng bằng cách bóp nhẹ lên trái hồng để hồng có độ dẻo và mềm hơn. Làm như thế sẽ giúp quả hồng tích mật ở giữa quả, không bị cứng bên ngoài, quá mềm bên trong.
Cuối cùng, sau khoảng 8 tuần, người làm bắt đầu hạ giàn và thu hoạch. Trung bình cứ khoảng 7-8kg hồng tươi sẽ cho ra khoảng 1kg hồng treo. Giá thành của 1kg hồng treo dao động từ 300 – 500.000đ/kg.
Đến Đà Lạt mùa thu nhất định đừng bỏ lỡ món hồng treo gió. Cắn một miếng hồng ngọt thanh, nhấp thêm một ngụm trà ấm, bao nhiêu cái tinh túy của đất trời Đà Lạt bỗng dưng được lan tỏa.