Trân Bùi - 15:16 22/06/2020
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng trong những năm gần đây, mức độ ngập lụt của Đà Lạt đã tăng lên đáng kể. Mặc dù chỉ đón những cơn mưa có cường độ trung bình, thế nhưng lũ lớn lại xảy ra nghiêm trọng. Nghe có vẻ khó tin nhưng đây lại là một thực trạng đáng buồn xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là thành phố Đà Lạt mộng mơ.
Vào những ngày tháng 6/2020 vừa qua, Đà Lạt bắt đầu bước vào mùa mưa. Sau các cơn mưa ấy, những hình ảnh/video về các dòng nước lũ được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Nhìn hình ảnh được ghi lại dưới đây, bạn sẽ không thể tin được rằng giữa trung tâm Đà Lạt lại có những dòng lũ chảy xiết đến như vậy. Bất cứ ai chứng kiến cảnh tượng này cũng cảm thấy bất ngờ, hoang mang và hoảng sợ. Bên cạnh đó, khu vực đèo Đạ Sar cũng bị sạt lở, những dòng nước lũ ồ ạt băng qua đường khiến người đi đường rất lo lắng.
Đỉnh điểm là đợt lũ vào ngày 8/8/2019, lượng mưa ở Đà Lạt được ghi nhận chỉ khoảng 23mm/24h thế nhưng tình trạng lũ lớn xảy ra khắp nơi. Khu vực nội thành Đà Lạt lúc bấy giờ xuất hiện nhiều điểm ngập kéo dài khoảng 1 giờ. Đó là vùng hạ lưu suối Cam Ly (khu dân cư Mạc Đỉnh Chi), khu vực hồ Than Thở, bờ hồ Xuân Hương khu vực Vườn hoa thành phố.
Trong đợt lũ ấy, huyện Lạc Dương nằm ở lân cận Đà Lạt đã bị tàn phá hơn 200ha ruộng vườn và nhà cửa, cô lập hơn 50 hộ dân trong nhiều giờ. Chưa hết, khu vực đèo Bảo Lộc liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ sạt lở lớn nhỏ khiến hàng trăm tấn đất đá tràn ngập xuống đường. Sự việc này đã khiến cả 2 chiều lưu thông trên đèo Bảo Lộc tê liệt hoàn toàn.
Trong 7 năm gần đây, lũ ở Đà Lạt và vùng lân cận có tần suất ngày càng dày hơn. Theo bạn, lý do là gì? Chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến nạn chặt phá rừng. Liên tiếp những vụ phá rừng, đầu độc hàng trăm cây thông vẫn đang diễn ra khiến ai nấy cũng bàng hoàng, xót xa. Diện tích rừng ở Lâm Đồng ngày càng bị thu hẹp, gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Một trong những điều không thể không kể đến đó chính là gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất,...
Theo Tiến sĩ ngành môi trường Lâm Ngọc Tuấn (Đại học Đà Lạt) cho biết việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly cũng là nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến lũ lụt. Đối với những vùng đất có nhà kính, hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa là khi mưa đổ xuống sẽ rơi trên những tấm nilông và bằng cách nào đó đổ ào ào ra suối và nước sẽ không thấm vô đất giọt nào. "Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Như vậy dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt. Nếu mưa to thì hậu quả không còn nằm trong tầm kiểm soát" - Ông Tuấn cho biết thêm.
Những việc làm hàng ngày đối với thiên nhiên mọi người vẫn cho rằng đó là điều bình thường và thơ ơ với nó. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, tất cả mọi hậu quả đổ dồn xuống, chúng ta sẽ không thể nào lường trước được. Từ những việc phá rừng vô tội vạ để xâm chiếm đất, họ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không hề biết rằng Mẹ nhiên cũng biết giận dữ. Sự giận dữ của Mẹ thiên nhiên đáng sợ đến mức nào, rồi chúng ta sẽ được chứng kiến nếu ngay từ bây giờ không biết cách bảo vệ rừng thông, bảo vệ môi trường.
Bảo Trân