Bích Ngọc - 10:22 28/06/2021
Bánh căn không mang trong mình những câu chuyện dân gian để người ta dễ dàng nhớ đến. Sự xuất hiện của bánh căn cũng đặt một dấu chấm hỏi rất lớn, người ta chỉ biết nó là một món ăn phổ biến của những dân tộc người Chăm xứ Panduranga ở Ninh Thuận. Qua thời gian, người Việt đã học hỏi và sáng tạo để món ăn thêm phần đặc sắc, chẳng hạn như ăn với nhiều loại nước chấm hơn, thêm vào bánh các loại nhân khác nhau tôm, mực, trứng…
Để mà nói về hương vị bánh căn Phan Rang chuẩn thì đầu tiên bánh phải được đổ trong khuôn đất sét mua về từ Bàu Trúc, mỗi khuôn có 8-10 chén nhỏ rời nhau đi kèm nắp đậy. Bánh căn thật sự ngon nhờ gạo, mắm và mỡ hành. Gạo xay bột làm bánh căn phải là gạo cũ, chiếc bánh mới giòn, nếu làm gạo mới, bánh bị nhão vì dẻo, sát khuôn, gỡ không khéo bánh sẽ nát. Để có được bánh ngon người ta cho thêm ít cơm nguội phơi khô vào gạo khi đem đi xay thành bột.
Bột gạo pha nước loãng, khác với bánh khọt là khi đổ không thêm dầu mỡ vào. Thành quả là phần bánh có lớp vỏ mỏng, giòn nhẹ bên ngoài và thơm mùi bánh nướng đặc trưng. Bánh căn có được vị thơm ngon và giòn tan là nhờ vào bếp than luôn có độ nóng vừa phải, không như bếp gas hay bếp dầu bánh sẽ không được thơm giòn mà sẽ dai.
Ở Ninh Thuận, cách thưởng thức bánh căn khá đa dạng, nhưng độc nhất phải kể đến phần nước chấm chuẩn xứ biển. Người bán dọn bánh căn với một tô nước cá kho nhạt, nấu từ cá ngừ, cá nục, hành và dưa có vị vừa ngọt vừa đậm đà. Khi ăn, bỏ thêm xoài bào sợi vào tô nước cá, cho phần bánh vào để thấm vị hoặc chấm từng cái ăn dần.
Bên cạnh đó, bánh căn cũng được chấm cùng nước mắm nêm cá cơm, nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt, nước chấm đậu phộng giã nhuyễn ăn kèm nhiều loại rau sống như xà lách, diếp cá, rau thơm, xoài băm... để gia tăng hương vị cho món ăn.
Bánh căn vốn đã du nhập qua khắp các tỉnh thành nhờ chính vị giản dị nhưng đậm đà khó quên. Thậm chí, có một số quán ăn chỉ bán đúng một loại thức ăn duy nhất, đó chính là bánh căn, đặc biệt là những quán ăn ở Đà Lạt. Để rồi khi hỏi về đặc sản của thành phố mộng mơ, người ta nghĩ ngay đến món ăn này.
Bánh căn ở Đà Lạt không có sự khác biệt quá lớn so với Phan Rang. Khuôn đổ và phần bột làm bánh gần như là giống hoàn toàn. Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là phần nhân không quá đa dạng với các loại thịt và hải sản.
Ở Đà Lạt, người ta chuộng ăn bánh căn trứng gà hoặc trứng cút hơn. Trứng cút thì cho nguyên trái, thường làm thành phần trứng lòng đào để tăng thêm độ béo. Trứng gà được đánh loãng, một số thực khách thường thích trộn thêm cùng thịt xay ăn cho "đã".
Bánh được ốp theo từng cặp, ăn ngay khi vừa xuống lò là ngon nhất. Đặc biệt, phần nước chấm sẽ có kèm thêm viên xíu mại béo thơm. Nước chấm cay cay (thường là nước mắm hoặc mắm nêm pha với mỡ hành), đậm đà ăn kèm cùng xíu mại là sự kết hợp vô cùng hoàn hảo. Một số nơi cũng bán chả gói lá cắt khúc, trứng cút luộc chín để trong chén xíu mại cho thực khách tùy theo sở thích.
Không phải ngẫu nhiên mà bánh căn nhận được nhiều sự yêu thích của thực khách. Món ăn có thể thưởng thức bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đặc biệt là những buổi sớm se lạnh ở Đà Lạt, dĩa bánh căn nóng hổi còn nghi ngút khói tỏa ra hương thơm mê người dễ dàng làm hài lòng những chiếc bụng đói meo.
Bích Ngọc
Ảnh: Sưu tầm