Trân Bùi - 15:54 12/04/2022
Đà Lạt là thành phố trẻ nhưng có rất nhiều thứ phát triển và tồn tại cùng thành phố. Có những gánh hàng tồn tại từ thời "ông bà anh" và đến tận bây giờ đã trở thành biểu tượng quen thuộc ở góc nhỏ thành phố. Gánh xôi của bà Tư đã có tuổi đời hơn 60, mặc kệ gió sương vào mỗi buổi sáng bóng dáng bà cụ lom khom bên gánh xôi tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi – Phan Bội Châu đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân ở đây.
Bà Tư năm nay đã quá 80, tuy không sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt nhưng cơ duyên đã đưa bà đến với mảnh đất này từ những năm 1953, bà đã bán xôi ở đây được hơn 60 năm. Nhiều người còn biết đến bà với cái tên thân thuộc là "bà Tư xôi chè Sài Gòn" vì bà từng làm nghề này từ hàng chục năm trước.
Nhà bà Tư ở gần khu chợ Mới (Sài Gòn), mỗi buổi sớm con cháu sẽ giúp bà gánh xôi một đoạn để kịp bán cho người muốn thưởng thức sớm. Sau một lần ghé thăm Đà Lạt để phụ giúp gia đình, bà chợt bén duyên với nơi đây và ở tận đến giờ. Mang hơi thở và màu sắc của vùng đất nhộn nhịp, năng động bà đem đến Đà Lạt món xôi thơm ngon, trở thành món ăn sáng yêu thích của nhiều người.
Thức dậy từ khi mặt trời chưa mọc rồi bán tới lúc trời tỏ, gánh xôi hết bà lại về ngâm nếp, vo gạo. Vất vả là vậy nhưng bà vẫn rất cần mẫn với công việc. Đồ đạc sau bao năm vẫn như thời mới bắt đầu, từ cái thúng, cái mẹt, cho đến đôi quang gánh luôn được gìn giữ.
Để cho ra những hạt xôi dẻo thơm, bà Tư kể, khó nhất là lúc nấu, phải đảm bảo lửa đều và canh đúng thời gian cho xôi vừa chín tới. Xôi nấu ra phải không được quá khô hay quá ướt, độ mềm dẻo phải đúng chuẩn thì thức khách mới thưởng được hương vị thơm ngon của món ăn bình dị.
Nếu thích ăn xôi mặn bạn hãy thưởng thức loại xôi được làm từ lá cẩm. Xôi được bỏ vào hộp xốp, phủ lên trên là chả lụa, chà bông (ruốc thịt), hành phi và chút tương ớt. Ngoài ra bạn có thể chọn món xôi ngọt, xôi được phủ lớp đường kèm ít muối và đậu phộng xay nhỏ.
Khách đến ăn xôi đủ cả, từ những người đi chợ sớm, lao động bình thường, học sinh đến cả nhân viên công sở hay khách du lịch. “Xôi coi vậy mà ăn chắc bụng lắm, bà làm không có hóa chất gì đâu nghe. Có nhiều người sáng nào cũng ra đây mua ủng hộ, ăn hoài mà không thấy ngán”, bà Tư chia sẻ.
Ngoài ra, cuối tuần bà tranh thủ làm thêm bánh da lợn, bánh bò để bán cho khách. Giá cho một phần xôi mặn là 10.000 - 15.000 đồng tùy vào yêu cầu.
Trong nhịp sống tấp nập tồn tại gánh hàng thầm lặng cùng mảnh đất mộng mơ hơn 60 năm. Nơi đây cất giữ không ít kỉ niệm đẹp của những người con với trái tim yêu Đà Lạt.
Bảo Trân